Một số điểm quan trắc CLKK giao thông như: Minh Khai, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng ghi nhận từ ngày 13/9 đến nay CLKK luôn duy trì ở mức “Kém” (màu da cam - nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở bên ngoài). Riêng ngày 15/9, CLKK tại tất cả các điểm quan trắc đều duy trì ở mức “Kém”.
Gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Ảnh: Zing.vn |
Theo ông Mai Trong Thái - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, dữ liệu quan trắc thu được, trong những ngày này, nồng độ bụi tăng giảm rất có quy luật. Cụ thể, ngoài các thời gian cao điểm (sáng sớm và chiều tối) khi mật độ giao thông tăng cao, nồng độ bụi còn tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm cho đến trưa chiều ngày hôm sau (đạt giá trị cao nhất vào khoảng 6h00 - 9h00). Về nguyên tắc, vào ban đêm lưu lượng giao thông vào ban đêm sẽ giảm so với ban ngày nên lượng khí thải và khói bụi cũng sẽ giảm.
Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm, tuy nhiên, do kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên CLKK trên toàn TP giảm xuống.
Trao đổi về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Mai Trong Thái cho biết, có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: Phát thải cục bộ (hoạt động giao thông, xây dựng…), các chất ô nhiễm được vận chuyển từ nơi khác đến và điều kiện khí tượng.
“Thực tế theo dõi dữ liệu quan trắc không khí, điều kiện khí tượng và mật độ giao thông, vào những ngày xuất hiện mưa rào và dông liên tục thì mặc dù vào thời gian cao điểm mật độ giao thông tăng cao nhưng chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức ổn định, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc có những thời điểm, mật độ giao thông rất thấp, nhưng không có mưa, lặng gió nồng độ bụi lại tăng cao.
Sự thay đổi nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng như nguồn phát thải; điều kiện khí tượng: Tốc độ gió, khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định), bức xạ mặt trời, độ ẩm và các phản ứng quang hóa” - ông Mai Trọng Thái nói.
Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết thêm, về nguyên tắc, sự pha trộn theo chiều dọc cũng thay đổi trong một ngày. Tốt hơn vào khoảng giữa trưa và giảm hơn vào ban đêm nên đây cũng có thể 1 trong các nguyên nhân khiến nồng độ bụi tăng cao vào thời điểm ban đêm. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giao mùa nên so với các tháng khác trong mùa hè, CLKK cũng giảm xuống.
“Trong trường hợp AQI hiển thị ở màu da cam và màu đỏ, người dân nên hạn chế thời gian ở ngoài, đặc biệt nhóm nhạy cảm. Nếu bắt buộc phải ra ngoài cần trang bị khẩu trang đạt chuẩn có thể chống bụi PM2.5” - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khuyến cáo.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang tính toán chỉ số chất lượng không khí theo phương pháp ban hành tại Quyết định số 878/QĐ-TCMT ngày 01/7/2011 của Tổng cục Môi trường. Do cách tính toán giữa mỗi cơ quan tổ chức khác nhau nên sẽ xuất hiện sự chênh lệch AQI giữa các trang công bố. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, đối với chỉ tiêu quan trắc bụi để có kết quả đánh giá chính xác nhất thì phải được quan trắc liên tục từ 24h trở lên. Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục Trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội |