Nóng gian lận xuất xứ hàng hóa

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) vừa góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý. Trong đó, việc ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết.

Có hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu
Tại cuộc họp báo chuyên đề về điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu tổ chức chiều 6/7, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam đối với các nước ký kết hiệp định, một số DN đã lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.
Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (gồm thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5% – 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
 Linh kiện xe đạp trong vụ việc do cơ quan hải quan Bình Dương phát hiện.
Vì thế, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Từ kết quả kiểm tra, xác minh thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như: DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn quy định tại Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP; các DN chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (DN thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác). Ngoài ra, có tình trạng một số DN đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Mở rộng kiểm tra, xác minh gian lận xuất xứ
Theo Cục phó Cục Kiểm tra sau thông quan Trần Mạnh Cường, với những giải pháp quyết liệt, bước đầu nước ta đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước, đặc biệt là Mỹ để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước. Kết quả đấu tranh vừa qua đã lan tỏa trong cộng đồng DN, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm và cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để DN chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Đối với hoạt động đối ngoại, từ các kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ của cơ quan hải quan, Phó Tùy viên kinh tế Đại sứ quán Mỹ cũng đã đề nghị làm việc với cơ quan hải quan để trao đổi về việc thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch hành động về thương mại của Thủ tướng Việt Nam với Mỹ.
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Từ kết quả triển khai giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch định hướng giai đoạn 2 để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều DN khác.