Nông nghiệp Hà Nội duy trì đà tăng trưởng

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp Hà Nội đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng, đạt nhiều kết quả khả quan.

 Chăn nuôi bò tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Bình Minh

Nỗ lực vượt khó

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đối diện nhiều khó khăn, trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh DTLCP diễn biến ngày càng phức tạp. Số liệu thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, sau gần 4 tháng thâm nhập vào địa bàn, đến nay DTLCP đã xảy ra tại 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 429.029 con lợn (chiếm 22,9% tổng đàn) với trọng lượng 29.442 tấn. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, sự cố gắng của bà con nông dân, tính chung, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng 1,15%.
Toàn TP hiện có 126 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 121 mô hình liên kết chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Đáng chú ý, năng suất lúa vụ Xuân bình quân đạt 62 tạ/ha. Diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm 55% tổng diện tích, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng, đạt 2.732,64ha, tăng 32,8%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu, bò phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra với tổng đàn trâu 24.000 con trâu, đàn bò 134.400 con, tăng lần lượt 3,7% và 0,43% so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển, ước tính đàn gia cầm hiện khoảng 34 triệu con, tăng 11,7%. Sản lượng thủy sản đạt 51.000 tấn, tăng 4,08%.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn biến theo chiều hướng tích cực. Trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.276 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư.

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi

Theo tính toán của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn những diễn biến rất khó lường. Đặc biệt, bệnh DTLCP, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, đến thời điểm này chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được nhiều DN, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô.

Nhằm khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp Thủ đô xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP và cơ cấu, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang tập trung cao độ cho công tác lai tạo, sản xuất giống vật nuôi để đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt bằng các giống bò chất lượng như Wagyu, Angus, BBB. Cùng với đó, nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại; sản xuất các giống gia cầm chất lượng như gà thả đồi, gà thả vườn, vịt và các giống gà đẻ trứng. Về trồng trọt, Sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất tốt vụ Mùa, vụ Đông năm 2019 - 2020 trên cơ sở sử dụng giống cây trồng cho giá trị cao; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Sở tiếp tục tập trung xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi nông sản an toàn, kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm…