Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh và vượt mức kế hoạch đề ra. Dự kiến GDP sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng từ 3,95 - 4,05%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo khoảng 3,57 triệu tấn, giá trị 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ 2017; rau củ quả 2 tỷ USD, tăng 20%; điều 1,71 tỷ USD, tăng 16,4%; thủy sản 3,94 tỷ USD, tăng 10,5%...
Tại hội nghị sơ kết sáng 28/6, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ tháng 6 vừa qua. Đây là đợt mưa lũ đầu mùa nhưng gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng cho các địa phương. Thống kê đến nay, đã có 23 người chết và 10 người còn đang mất tích. Thiệt hại về hạ tầng kinh tế - xã hội ước tính gần 500 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018, dự kiến đến cuối năm 2018, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sẽ đạt mục tiêu 40 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để có được mức tăng trưởng mạnh trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Cùng với đó, khuyến khích tiêu dùng nội địa, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, các hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn. Các đơn vị của Bộ cũng đã phối hợp với tỉnh, TP triển khai chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị nông sản…

Hiện nay, diễn biến bất thường của thời tiết có khả năng tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý toàn ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với chuỗi giá trị. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Bộ cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường nhằm kịp thời cảnh báo những quy định về rào cản kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu, gắn với đẩy mạnh tiêu thụ trong nước…