Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, đại diện nhiều sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của KH&CN đối với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư. Qua đó, hoạt động KH&CN đã có bước chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò là đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.
Những năm qua, rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất đã được triển khai. Điển hình là những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như các giống lúa năng suất chất lượng, có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh; các loại cây đặc sản như nhãn chín muộn, bưởi, hồng... Các mô hình chăn nuôi tập trung xã khu dân cư. Nuôi trồng thủy sản trong lồng. Các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó là nhiều dự án phát triển thuộc Chương trình nông thôn miền núi…
Đến nay, TP đã xây dựng, quản lý và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), Nhãn chín muộn(huyện Hoài Đức)… Sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, giá trị sản xuất đã tăng vượt trội. Đơn cử như nhãn chín muộn huyện Hoài Đức cho giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha, hay rau hữu cơ huyện Sóc Sơn cho giá trị trên 1 tỷ đồng/ha…
Phó Bí thư thăm gian trưng bày sản phẩm ''giá thể gỗ xốp'' của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Hà Nội cần xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao
Đánh giá thành tựu kết quả ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: Hà Nội có thế mạnh là thị trường trung và cao cấp với nhu cầu dồi dào, nguồn lực KH&CN cũng rất tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển trở thành trung tâm ứng dụng KH&CN vào không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà còn đa dạng các ngành, lĩnh vực khác.
Thứ trưởng cho rằng, muốn phát trển được KH&CN trong nông nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây cũng là yếu tố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ. Sớm có nghiên cứu quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh trường hợp sản xuất ồ ạt, tạo mất cân bàng cung - cầu thị trường. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động được tối đa nguồn vốn, tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp…
Về phía Bộ KH&CN, sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tối đa để Hà Nội có thể tham gia vào các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Mong muốn mà ông Trần Văn Tùng kỳ vọng, là Hà Nội sẽ sớm xây dựng được một trung tâm sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng KH&CN để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động này.
Phát triển nông nghiệp chú trọng yếu tố bền vững
Nhấn mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ban ngành, các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo sự phân công của TP trong các chương trình của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Trong đó, KH&CN phải phục vụ đắc lực triển khai Chương trình số 02-CTr/Tu về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần tham gia nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặt hàng và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ KH&CN, tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc các ngành, lĩnh vực. Nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý KH&CN, tạo điều kiện cho ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, cần thúc đẩy tăng cường liên kết 4 nhà: Quản lý - Khoa học - Sản xuất - Tiêu thụ. Thúc đẩy việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế quản lý, sản xuất.
Phó Bí thư thăm gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Thư Thủy, huyện Gia Lâm.
Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2010 - 2020. Các sở, ngành, các địa phương tăng cường phối hợp trong xây dựng, chuyển giao các mô hình KH&CN phù hợp với điều kiện từng vùng. Phối hợp với các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo cán bộ, người dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất… 
Cùng với nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý các đơn vị cần quan tâm đầu tư và phát triển mạnh công nghệ sau thu hoạch; xây dựng liên kết vùng trong sản xuất, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng VSATTP. Đặc biệt, trong sản xuất, cần hết sức chú trọng tới bảo vệ môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học, để sản xuất nông nghiệp không chỉ tăng về chất và lượng, mà còn bảo đảm tính bền vững.