"Nóng" phần tranh luận về kiểm soát quyền lực tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc lựa chọn 2 Dự án luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Dự án Luật an ninh mạng để thảo luận tại hội nghị lần này dựa trên cơ sở kết luận các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 
Đối với Dự án luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đây cũng là Dự án luật khó, phức tạp, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thời hạn sử dụng đất đã được Bộ Chính trị cho ý kiến.

Việc xây dựng Dự thảo luật đòi hỏi thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng một số đơn vị hành chính đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo sự tăng trưởng và tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm mục đích cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đồng thời phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, các quyền, lợi ích của nhân dân. Ngoài ra, Dự thảo luật cũng phải phải đáp ứng được các yêu cầu khác như xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thu hút đầu tư, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội, các vấn đề chuyển tiếp bộ máy hiện hành với bộ máy mới của đặc khu…
Có nên lập Ban tư vấn tại các đặc khu?

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thông tin, Dự thảo sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều và 6 phụ lục. Qua tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, lần này, tên gọi của luật đã được bổ sung tên các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thành: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong các quy định cụ thể của dự thảo luật, cụm từ "đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" được gọi tắt là "đặc khu".

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu, để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Ban này không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Ảnh: Zing.vn
Thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, hàng loạt vấn đề phải xin ý kiến Ban này trước khi quyết định là chưa phù hợp. Lý giải nguyên nhân, ông Tô Văn Tám cho rằng, nếu thêm Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu thì vô hình trung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc với UBND và Chủ tịch UBND.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đỗ Thị Lan - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, nếu Chủ tịch UBND đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban tư vấn thì phải giải trình bằng văn bản nói rõ lý do. Đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu. Hơn nữa việc thành lập Ban này chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lại cho rằng, việc thành lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển là cách làm mới nhằm giám sát và cân bằng quyền lực khi thẩm quyền trao cho các đặc thu là rất lớn. Theo đó, những vấn đề lớn cần xin ý kiến Ban này, tránh tình trạng cứ làm rồi khi xảy ra sai phạm lại đi xử lý cán bộ.
Sẽ có 131 ngành nghề kinh doanh tại 3 đặc khu

Về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại 3 đặc khu trên gồm 131 ngành, nghề; tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc thu hút đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần tính toán kỹ, để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, vì liên quan chặt chẽ đến cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, kinh doanh.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, khi ưu đãi để thu hút đầu tư cần tính đến ngành nghề mà địa phương đang phát triển, xem xét thu hút đầu tư thêm có lãng phí không. Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu đãi trong thu hút đầu tư thì không phải ưu đãi về thuế là vấn đề chính yếu, mà đầu tiên phải là ổn định môi trường kinh doanh, rồi đến chính sách để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, công khai minh bạch không có chi phí “bôi trơn”.

Về ngân sách đặc khu, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về Điều 39 của Dự thảo khi quy định, ngân sách đặc khu thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện. Bởi, theo dự thảo, nhiệm vụ thu chi giao cho HĐND và UBND cấp tỉnh, nhưng quyết định định mức tiêu chuẩn chi thì lại là thẩm quyền của đặc khu. Như thế, "tức là 1 ông quyết định về nguồn, 1 ông quyết định tiêu thế nào, thì không thể khớp được bài toán này”, không đảm bảo được quyền trong cân đối ngân sách tỉnh và ngân sách đặc khu.

Ngoài ra, những quy định về cơ quan chuyên môn của đặc khu cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại hội nghị để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để xin ý kiến trình ra Kỳ họp 5 tới của Quốc hội thông qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần