Nông sản Chương Mỹ xuất ngoại

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tổng số 14 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn, huyện Chương Mỹ là một trong những địa phương đi đầu của Hà Nội trong công tác này.

6 nhóm sản phẩm chủ lực
Để thúc đẩy các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung gắn với liên kết chuỗi, từ năm 2017, huyện Chương Mỹ đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, triển khai thực hiện đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững giai đoạn 2018 – 2020”.
Hàng chục tỷ đồng đã được địa phương hỗ trợ đầu tư nhằm mục tiêu là phát triển 6 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Trứng gia cầm, gà thả vườn, thịt gia súc, rau an toàn, bưởi, gạo chất lượng cao (trọng tâm là gạo hữu cơ).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiểm tra Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. 
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 14 chuỗi liên kết có quy mô lớn, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 tấn thịt gia súc, 3.000 tấn thịt gia cầm, 55 triệu quả trứng gia cầm, 1.000 tấn rau, 225 tấn gạo hữu cơ, 9.500 tấn bưởi…
Bên cạnh đó, một số chuỗi liên kết đã tiếp cận được thị trường nước ngoài. Hiện, trung bình mỗi tháng, các chuỗi xuất khẩu được khoảng 10 tấn rau gia vị đi một số nước khu vực châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Đến nay, 402/432 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (đạt tỷ lệ 93%, thuộc nhóm cao nhất toàn TP)…

Nhằm đảm bảo các chuỗi liên kết phát triển ổn định và ngày càng mở rộng, từ năm 2018, huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch về Triển khai ứng dụng và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm giai đoạn 2018 – 2020. Năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 20 tổ chức, cá nhân tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản với 28 sản phẩm được cấp mã QR. Trong năm 2019, địa phương tiếp tục hỗ trợ 10 đơn vị sản xuất tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này.
Tăng cường quản lý chất lượng
Bên cạnh giải pháp quản lý nguồn gốc nông sản thực phẩm, huyện Chương Mỹ cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; thanh kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, tập trung vào nhóm các hộ nhỏ lẻ, có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển chuỗi cung ứng nông sản gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám, để thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ hiện nay vẫn sẽ là vấn đề không dễ. Do đó, TP và các sở, ngành cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, ban hành thêm những cơ chế, chính sách để hiện thực hóa mục tiêu.
Một trong những giải pháp được đề xuất là UBND TP sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn, nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.
Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, định hướng sản xuất. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy tiêu dùng để người nông dân yên tâm sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần