Nông sản rớt giá, nông dân khóc ròng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư bao vốn liếng, công sức để sản xuất ra các mặt hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng người nông dân chưa kịp mừng đã phải lo vì nông sản ế ẩm, mất giá sát Tết.

 Vườn cà chua của ông Thiều Quang Hưng xã Trung Châu, Đan Phượng. Ảnh: Phương Nga
Nông sản mất giá

Thông thường, thời gian cận Tết Nguyên đán là dịp mà nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống cao nhất trong năm. Song khác với những năm trước, năm nay càng những ngày sát Tết, giá nông sản càng giảm và tiêu thụ chậm. Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá các loại rau xanh giảm một nửa so với ngày thường. Cụ thể, rau bắp cải có giá 6.000 – 7.000 đồng/kg; súp lơ 5.000 đồng/cây; cải ngọt 10.000 đồng/kg; cà chua 10.000 đồng/kg… Các loại hoa cũng khá rẻ so với cùng thời điểm mọi năm. Trong đó, hoa cúc có giá 2.000 – 3.000 đồng/bông; hoa ly (loại 5 tai) có giá 23.000 – 25.000 đồng/cành...

Anh Đào Văn Hạnh, ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) cho biết, vụ Tết năm nay, gia đình anh trồng 3 sào súp lơ, tương đương 20.000 cây. Sau 3 tháng chăm bón, thời điểm này vườn rau đã bắt đầu cho thu hoạch. Nếu như những năm trước, anh bán được 15.000 - 20.000 đồng/cây thì năm nay chỉ bán được giá 4.000 – 5.000 đồng/cây, trong khi chi phí để sản xuất một cây súp lơ vào khoảng 6.000 – 7.000 đồng. “Gia đình tôi trông chờ vào vườn rau để lấy tiền tiêu Tết, nhưng với giá cả như hiện nay thì không đủ vốn” – anh Hạnh bộc bạch.

Không riêng gì người trồng rau, những nông dân nuôi gà cũng đứng ngồi không yên vì hàng bán chậm. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành cho biết, hiện, HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì luôn duy trì tổng đàn khoảng 270.000 con gà. Dự tính dịp Tết năm nay, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40.000 con nhưng hiện tại sức tiêu thụ rất chậm và không được giá. Hiện, giá gà xuất chuồng chỉ đạt 90.000 đồng/kg, trong khi năm trước, HTX xuất bán gà loại 1 với giá 110.000 đồng/kg. “Người dân hiện đang đứng ngồi không yên vì chi phí chăn nuôi đội lên cao. Trung bình mỗi con gà tiêu tốn 1.800 đồng tiền thức ăn/ngày, do đó phải nuôi kéo dài qua Tết thì người dân thua lỗ nặng” - ông Thành chia sẻ.

Loay hoay tìm cách tiêu thụ

Theo nhiều nông dân, nguyên nhân chính khiến các loại nông sản mất giá là do dịch Covid-19 bùng phát. Để đảm bảo phòng dịch, hệ thống các trường học đóng cửa, nhiều nhà hàng không có khách… Do đó, các đơn hàng nông sản, thực phẩm đã ký kết trước đó phải dừng lại. Người nông dân phải loay hoay tiêu thụ ngoài thị trường.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, dịch Covid-19 bùng phát nên mọi kế hoạch đã lập trình sẵn của HTX bị đảo lộn. Trước đó, toàn bộ nông sản của HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho các trường học trên địa bàn nhưng hiện nay, các bếp ăn đã ngừng hoạt động nên HTX phải cử người bán lẻ ngoài chợ. “Với 0,5ha trồng bắp cải, hàng ngày HTX phải cắt cử thành viên bán lẻ ngoài chợ với giá rẻ, vừa mất công, vừa mất của” – ông Ban than thở.

Để giảm bớt khó khăn, nhiều nông dân mong muốn các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần