Nông sản ùn ứ vì dịch Covid-19: Giải pháp nào khắc phục?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến đầu ra của các mặt hàng nông sản lâm vào cảnh bế tắc, nhất là khâu tiêu thụ nông sản dịp Tết Tân Sửu 2021 trong nước gặp không ít khó khăn. Yêu cầu đặt ra lúc này là làm thế nào để hàng hóa nông sản có thể lưu thông nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Tắc đầu ra vì Covid-19

Theo khảo sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêu thụ nông sản ở một số địa phương gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được.

Đơn cử, hiện nay tại Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả và 20.000 tấn thịt, 8.000 tấn cá.

Hay với mặt hàng thanh long, tình cảnh rớt giá mạnh đang diễn ra. Theo phản ánh của nhiều nông hộ trồng thanh long tại Bình Thuận, chưa có khi nào giá thu mua thanh long lại xuống thấp như những ngày qua. Với mức đưới mức 10.000 đồng/kg, nông dân chỉ có thể thu hồi vốn thậm chí lỗ do chi phí đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận Võ Huy Hoàng cho biết, dù cận Tết nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chính của trái thanh long hạn chế nhập hàng. Trong khi đó, toàn tỉnh còn khoảng 10.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch.

 Người trồng quất ở Tàm Xá (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) ''đứng ngồi không yên'' vì giá quất giảm mạnh, tiêu thụ chậm

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường, do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.

Đáng lưu ý, dịch Covid-19 cũng đang khiến nhiều mặt hàng nông sản như: Gạo, cà phê, tiêu... tồn kho với khối lượng không nhỏ do thiếu container vận chuyển. Dự báo, tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng sẽ còn kéo dài ít nhất tới hết quý I/2021.

Bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang chịu tác động bất lợi do dịch Covid-19, đặc biệt các mặt hàng rau quả, trái cây có sản lượng lớn đến vụ thu hoạch gặp khó khăn đầu ra cả về xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước, nhất là tại một số địa phương đang trong vùng dịch. Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chủ động liên hệ và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản.

 Một lượng lớn củ cải đến kỳ thu hoạch của nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh phải nhổ bỏ vì giá rớt thê thảm chỉ 1.000 đồng/kg

Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, Cục đã kiến nghị UBND tỉnh bị ảnh hưởng do Covid-19 chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng hạn chế nhập vào tỉnh các hàng nông sản tươi sống, đông lạnh; đồng thời tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành của Việt Nam để trao đổi đề xuất với phía Trung Quốc, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.

“Bộ đã thông báo và khuyến nghị các DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

“Đơn vị đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của những tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường; đề xuất Bộ Y tế ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3 - 5 ngày/lần), để các lái xe có thể vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh”

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.