Nông sản xuất sang Trung Quốc sụt giảm mạnh: Ứng phó bằng cách nào?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang phải đối mặt với mối lo lớn khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm.

Hàng loạt nông sản trong nước rơi vào tình trạng khó bán, dư thừa, tồn đọng do không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Bài toán đặt ra là Việt Nam cần ứng phó ra sao khi đường vào thị trường tỷ dân này ngày càng thu hẹp.
Sụt giảm báo động
Theo số liệu của Bộ Công Thương, nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước, song nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đang suy giảm đáng lo ngại.
Đứng đầu là mặt hàng gạo giảm tới 75%, sắn giảm gần 18%, thủy sản giảm gần 10%. Nhiều mặt hàng rau quả tươi vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này đã bị tác động ngay lập tức.
 Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai.
Quả na Chi Lăng (Lạng Sơn) là một ví dụ điển hình. Thời điểm này, dù mới bước vào vụ thu hoạch nhưng giá na lại xuống thấp kỷ lục. Tại chợ thị trấn Chi Lăng, loại na 300g/quả chỉ có giá bán buôn 16.000 đồng/kg, giảm 50% so với mọi năm.
Lý giải về hiện tượng này, đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, mọi năm, thương nhân Trung Quốc nườm nượp sang mua tới 40% sản lượng na Chi Lăng. Tuy nhiên năm nay, na không nằm trong danh mục 9 loại trái cây được nhập khẩu chính ngạch vào nước này khiến hàng nghìn tấn na đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP cũng chỉ tiêu thụ nội địa.
Không chỉ có quả na, từ đầu năm đến nay, hàng loạt nông sản rơi vào tình trạng khó bán, dư thừa, tồn đọng hoặc do không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hoặc không nằm trong danh sách nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Đơn cử, vào tháng 6/2019, hàng nghìn tấn mực đánh bắt về không xuất khẩu được khiến nhiều cư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi điêu đứng. Tại Lâm Đồng, nông dân chật vật vì giá sầu riêng xuống thấp giảm còn một nửa từ 60.000 – 70.000 đồng/kg...
Doanh nghiệp, nông dân vẫn chủ quan
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó là ngay từ đầu năm, thị trường này chuyển từ thương mại biên mậu sang thương mại chính ngạch. Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, đa phần nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ và không chuẩn bị trước để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho hay, phần lớn DN Việt Nam chưa nắm được hoặc chưa chịu thay đổi cho phù hợp với thị trường. Chưa kể, Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát đường biên, đường mòn lối mở, hạn chế hàng tạm nhập tái xuất. Đây là lý do khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chững lại.
“Thực tế, việc thị trường Trung Quốc nâng cao chất lượng nông sản nhập khẩu, yêu cầu phải có nhãn truy xuất nguồn gốc đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cảnh báo cách đây cả năm, song vẫn nhiều DN và người dân chủ quan, nghiễm nhiên coi đây là thị trường dễ tính mà không chịu thay đổi” – bà Oanh nhấn mạnh.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, thực ra chính sách nhập khẩu của Trung Quốc không thay đổi đột ngột mà có lộ trình cụ thể và thêm mục cho phép nhập khẩu 9 loại quả. Thế nhưng, do Việt Nam vẫn bán các sản phẩm không có trong quy định như sắn, na, bơ sang nước này bằng nhiều hình thức, vì vậy khi Trung Quốc siết chặt quản lý, nhiều người mới giật mình.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc siết chặt hàng nông sản nhập khẩu còn có nguyên nhân là cơ quan chức năng nước này phát hiện nhiều lô hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có sai phạm về giả xuất xứ, giả tờ khai, một số loại có tồn dư một số hóa chất vượt ngưỡng quy định...
Thay đổi để thích ứng
Việc Trung Quốc siết chặt quản lý, đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đang gây ra một số khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, sản xuất trong nước vẫn hoàn toàn có đủ năng lực để thay đổi, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Song, cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, việc cần làm ngay là các địa phương phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN, nông dân tổ chức lại sản xuất, thu mua chế biến theo chuỗi giá trị, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc. Có như vậy thì tình trạng giá thấp và tồn đọng nông sản mới được giải quyết.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản khẳng định: “Nếu như địa phương nào chưa làm thì trong thời gian tới, bắt buộc phải làm. Về phía các DN, khu vực sản xuất, người dân cần phải có chuyển đổi về mặt nhận thức để đáp ứng được các tiêu chí về mặt kiểm dịch thực vật, chất lượng, nhãn mác bao bì và truy xuất nguồn gốc”.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương phổ biến thông tin, tuyên truyền quy định trên thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cho DN, người dân. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn do các chuyên gia thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc trực tiếp hướng dẫn về cách tiếp cận sau ký kết các Nghị định thư về sữa, măng cụt và làm thế nào để xuất khẩu được các sản phẩm này.
Đây cũng được coi là một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới với mục đích đồng hành cùng DN, nông dân từng bước thay đổi để thích ứng với thị trường.

"Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời, song đây là lời cảnh báo cần thiết để người dân, DN thay đổi tư duy, định vị lại thương hiệu nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc. Việc không còn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, định vị lại hàng Việt ở phân khúc cao cấp không chỉ giúp nông sản Việt chinh phục lại thị trường tỷ dân này, mà còn giúp DN tận dụng cơ hội mở cửa thêm hàng loạt thị trường mới từ các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh