Nông trại giáo dục ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín: Mô hình cần nhân rộng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc thị trường cây cảnh bị “đóng băng”, anh Phạm Văn Quỳnh, ở thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín đã mạnh dạn chuyển mô hình sinh vật cảnh sang “nông trại giáo dục”.

Đây là một trong những hướng đi đã được chính quyền các cấp huyện Thường Tín ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển và nhân rộng.

Không gian hấp dẫn

Đầu những năm 2000, làng nghề Xâm Xuyên phát triển mạnh mẽ nghề trồng các loại cây cảnh cung cấp cho thị trường. Đến năm 2010, nền kinh tế trong nước gặp khó khăn nên công việc trồng, buôn bán cây cảnh của người dân thôn Xâm Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề... Nhưng chỉ một thời gian sau đó, Đảng ủy, UBND xã Hồng Vân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Anh Quỳnh nảy ra ý tưởng quy hoạch, mở rộng xây dựng vườn cây cảnh 2ha của gia đình cộng với 5ha ruộng canh tác thuê lại của những hộ ở liền kề để làm mô hình “Nông trại giáo dục VietVillage” với hơn 1.000 cây cảnh các loại. Ý tưởng của anh  được lãnh đạo xã chấp thuận và coi là mô hình thí điểm Đề án xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011 - 2015.
Nông trại giáo dục ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín: Mô hình cần nhân rộng - Ảnh 1
Giờ đây, nông trại của anh có quy mô 7ha, gồm đất trồng cây cảnh, ao cá, vườn rau, ruộng cấy lúa, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, khu vui chơi ở trong nhà… Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Vừa qua, nhà trường tổ chức chương trình học ngoại khóa cho hơn 500 học sinh (HS) của khối lớp 1 ở nông trại của anh Quỳnh để giới thiệu cho các em thấy dụng cụ lao động của người nông dân. Các em rất thích thú khi được tham gia tập bắt cá, cầm quốc, xẻng để trồng cây, xem và phân biệt nhiều loại cây khác nhau. Hình thức học trực quan này khiến các em rất hào hứng và nhớ lâu hơn là chỉ minh họa qua tranh ảnh”.

  Hướng đi mới

Anh Quỳnh tâm sự: “Hoạt động của nông trại thực sự là bài học sinh động, bổ ích, hấp dẫn với các em. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đến nay, nông trại đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, chủ yếu là HS ở các trường học trên địa bàn TP”.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, người dân rất phấn khởi vì quê hương mình có một “nông trại giáo dục” với mô hình kép vừa làm kinh tế sản xuất hoa, cây cảnh tạo việc làm cho người lao động ổn định cuộc sống, đồng thời cũng là nơi để các em HS biết trân trọng mồ hôi, công sức lao động vất vả của những người nông dân một nắng hai sương ngoài đồng ruộng. Được quan sát và trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích giúp các em có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống để phục vụ cho việc học tập, xây dựng cuộc sống bản thân và xã hội sau này.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết: “Nhằm tạo điều kiện để những người nông dân hợp sức lại với nhau sản xuất lớn giúp ổn định đời sống, năm 2015, UBND huyện Thường Tín đã có quyết định thành lập HTX Sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh và dịch vụ do anh Quỳnh làm giám đốc. Mô hình này đang được các phòng chuyên môn cùng nhiều xã, thị trấn trong huyện nghiên cứu để nhân rộng phát triển. Thậm chí, nhiều địa phương khác trong TP Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đến tham quan mô hình để học tập kinh nghiệm, vận dụng vào địa phương mình”.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần