Nữ bác sĩ lấy tiếng khóc con trẻ làm hạnh phúc cho đời

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chắt chiu từng cơ hội để những sinh linh bé nhỏ thành hình hài lành lặn, lấy tiếng khóc con trẻ làm hạnh phúc cho đời. Niềm hạnh phúc vô bờ bến ấy cứ rong ruổi theo bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội suốt hơn 10 năm qua.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sim trong ca mổ y học bào thai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với sự hướng dẫn của GS Yves Ville.
Kiên trì, bền bỉ với nghề
Nhận công tác tại BV Phụ sản Hà Nội sau 6 năm ngồi trên ghế nhà trường, bác sĩ Sim không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, luôn vững tâm với nghề mà còn hết lòng yêu thương bệnh nhân cũng như vượt qua mọi cám dỗ của cơ chế thị trường. Theo năm tháng, bác sĩ Sim dần khẳng định bản thân, được tín nhiệm bầu vào vị trí cán bộ chủ chốt của BV và hiện giữ vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của BV Phụ sản Hà Nội.
Sau hơn 10 năm công tác, chị đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật lấy mẫu ối sàng lọc rối loạn di truyền cho bào thai. “Kỹ thuật lấy mẫu ối (chọc ối) và chẩn đoán di truyền trước sinh đã phổ biến từ lâu nhưng chỉ ở những cơ sở có đủ điều kiện mới làm được. Những năm qua, BV Phụ sản Hà Nội đã sử dụng kỹ thuật này, giúp bệnh nhân phát hiện được rối loạn di truyền trước sinh cho bào thai và đem lại nhiều lợi ích hơn như giảm đau, giảm tai biến”- bác sĩ Sim cho biết.
Trên nền tảng kỹ thuật có sẵn, bác sĩ Sim đã cải tiến kỹ thuật này lên mức cao hơn bằng cách sử dụng kim nhỏ hơn (vì kim nhỏ, mức độ xâm lấn ít), với kỹ thuật nhẹ nhàng, làm cho bệnh nhân ít bị cơn co, tỷ lệ tai biến thấp, bệnh nhân dễ chịu, an lòng hơn. Kỹ thuật hút được cải tiến nhờ dây nối làm cho quá trình hút trở nên êm ái, lấy mẫu thành công và cho kết quả đạt 100%.
Chinh phục kỹ thuật đỉnh cao trong ngành thai sản 
Riêng trong năm 2019, đã có hơn 500 ca được thực hiện thành công bằng kỹ thuật mới này, không chỉ giúp bệnh nhân cảm giác không đau, giảm tai biến, nhân lực, tiết kiệm cho BV. “Sáng kiến, sáng tạo trong ngành y là không ngừng để phục vụ bệnh nhân và theo kịp sự phát triển của khoa học. Từ việc ứng dụng cải tiến kỹ thuật, chúng tôi có thể mở ra bước tiến mới là điều trị can thiệp trong bào thai. Chẳng hạn như thai nhi thiếu máu, BV có thể truyền máu cho bào thai; điều trị những bệnh lý chẩn đoán trước sinh và có sự can thiệp sớm để khi em bé ra đời tránh được những rủi ro, tai biến nặng” - bác sĩ Sim chia sẻ.
Sự kiện ấn tượng hơn cả là việc bác sĩ Sim cùng kíp phẫu thuật của BV Phụ sản Hà Nội thực hiện thành công phẫu thuật nội soi can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối. Đây là kỹ thuật cao mà chưa BV công nào ở Việt Nam triển khai được. Đề tài này cũng là trăn trở của người đứng đầu BV - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh. Với mong muốn chinh phục kỹ thuật đỉnh cao trong ngành thai sản bằng tinh thần nhân văn cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ, lãnh đạo BV cùng bác sĩ Sim và các cộng sự đã nghiên cứu, tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng.
Tuy thực hiện đề tài này không hề đơn giản nhưng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đầu tháng 10/2019, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, bác sĩ Sim và kíp phẫu thuật BV Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công 2 ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên với sự hỗ trợ đặc biệt của GS Yves Ville - GS hàng đầu về can thiệp bào thai ở Pháp. Liên tiếp sau đó, 24 ca mắc hội chứng truyền máu song thai đã được can thiệp thành công, hiện đã có 3 thai phụ đủ tháng, 6 em bé chào đời khỏe mạnh.
Những thành tựu này không những mang tính khoa học mà còn có ý nghĩa rất nhân văn cao cả. Bởi nhờ ứng dụng kỹ thuật mổ can thiệp vào bào thai sẽ giúp cứu sống được hàng nghìn cặp song sinh bị biến chứng truyền máu mỗi năm ở Việt Nam cũng như giúp giảm được chi phí cho các gia đình so với điều trị ở nước ngoài. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của bác sĩ Nguyễn Thị Sim và các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội trong những năm gắn bó với nghề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần