Nữ công nhân đam mê cải tiến kỹ thuật

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đam mê công việc, chị Nguyễn Thị Xuân (Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội) - Quản đốc bộ phận điều phối sản xuất, Công ty TNHH Canon Việt Nam đã có nhiều sáng kiến cải tiến các loại trang bị kỹ thuật, làm lợi cho Công ty gần 172,2 tỷ đồng.

Chị vừa được trao tặng danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016.

Chị Nguyễn Thị Xuân trong lễ trao tặng danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Hà Linh

Nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện, đó là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với chị Xuân. Chị tâm sự, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị đã sớm xác định đi học nghề. Năm 2002, chị được tuyển dụng vào làm công nhân tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Vốn là người chịu khó, ham học, nên chị sớm khẳng định được năng lực của mình. Không chỉ luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, chị còn luôn quan sát, học hỏi từ đồng nghiệp, cấp trên trong quá trình sản xuất để tích lũy kinh nghiệm. 14 năm gắn bó với Công ty, qua nhiều vị trí, từ công nhân đến Tổ phó Tổ sản xuất, hiện chị Xuân là Quản đốc bộ phận điều phối sản xuất của Phòng sản xuất bảng mạch điện tử. Ở vị trí nào chị cũng tâm niệm phải cố gắng, tham gia và dẫn đầu các phong trào thi đua của Phòng, Công ty.
Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trong năm 2015, chị Xuân đã đột phá nêu lên sáng kiến, ý tưởng cải tiến để nâng cao sản lượng, giảm kho thành phần, tăng cường diện tích cho sản xuất bằng việc cải tiến kế hoạch sản xuất. Từ sản xuất lô lớn sang sản xuất lô nhỏ, sản xuất song song cùng với lắp ráp, cải tiến vị trí đặt tủ hàng đã tiết kiệm cho Công ty hơn 172 tỷ đồng/năm. Trước đó, chị Xuân được Công ty cử đi học một số lớp đào tạo nghiệp vụ, trong đó có khóa học lên kế hoạch loại bỏ các lãng phí trong sản xuất. Sau khi kết thúc khóa học, chị đã áp dụng để cải tiến cho chính nhóm của mình. Nhớ lại những ý tưởng này, chị Xuân cho biết: “Với mục tiêu không để công đoạn sau dừng chờ công đoạn trước, tôi đã cùng với các đồng nghiệp trong nhóm lên kế hoạch sản xuất, tận dụng hết năng lực của máy móc, thiết kế ra một loại hộp để sử dụng cho tất cả các loại hàng trong cùng một xưởng. Sau khi cải tiến, công việc tại xưởng sản xuất đã thuận tiện hơn nhiều, dễ quản lý lượng hàng sản xuất, các vị trí đặt kệ hàng gọn gàng, đẹp hơn”.
Khi hỏi về động lực nào để chị có nhiều sáng kiến hay như thế, chị Xuân chia sẻ, mỗi một sáng kiến là một ý tưởng trong quá trình mày mò, tìm hiểu các quy trình hoạt động, quy trình sản xuất. “Vì yêu công việc nên tôi muốn nó tốt hơn, thuận tiện hơn. Tôi nghĩ, người công nhân thế hệ mới phải được tri thức hóa, phải thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế... Những gì tôi làm được tuy còn nhỏ bé nhưng là động lực lớn để tiếp tục cống hiến, sáng tạo nhiều hơn nữa” - chị bộc bạch. Với tình yêu nghề nghiệp và mong muốn tiếp tục cải thiện môi trường làm việc cho công nhân, chị Xuân còn ấp ủ rất nhiều ý tưởng khác trong tương lai.
“Năm 2015, Công ty bắt đầu thực hiện những cải tiến này, tôi tiếp tục tìm hiểu để có những cải tiến giảm chi phí ít nhất cho Công ty. Tuy nhiên, tôi mong muốn Công ty tổ chức nhiều các khóa đào tạo hơn nữa để công nhân viên có thể mở mang kiến thức, giúp ích cho Công ty và làm thế nào để giảm những chi phí không cần thiết trong sản xuất cho DN” - chị bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần