Nữ doanh nhân Phan Hồng Châu và câu chuyện kinh doanh lương thiện

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong cuộc sống hay trên thương trường, người lương thiện luôn là người thông minh và hạnh phúc nhất”, đó là triết lý sống và kinh doanh giúp doanh nhân Phan Hồng Châu - Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hy vọng (Esperantotur) xây dựng DN lớn mạnh.

Luôn đi tiên phong
Ra đời năm 1993, tiền thân là DN du lịch Nhà nước cùng tên, sau gần 30 năm hoạt động, Esperantotur hiện là một trong những phòng vé máy bay lớn nhất Việt Nam, đại lý cấp 1 của khoảng 70 hãng hàng không trên thế giới.
Doanh nhân Phan Hồng Châu cho biết: “Những năm 1990, ngành du lịch bắt đầu cởi mở, TP Hà Nội chủ trương sáp nhập một số công ty du lịch vừa và nhỏ. Khi đó, Công ty Du lịch và Dịch vụ Hy vọng ghép chung với một số công ty khác nhưng không được giữ tên. Tôi và bộ phận phòng vé máy bay, phòng kế toán, hành chính cùng tôi ra thành lập công ty với tên gọi cũ, chỉ thêm chữ “cổ phần”.
Theo CEO Esperantotur, thành công như ngày nay vì luôn đi người tiên phong. Esperantotur là DN đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trước cả Vietnam Airlines; DN đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng cáp quang vào hoạt động kinh doanh, khách hàng đầu tiên của tổng đài 1080 và thường xuyên tình nguyện là “vật thí nghiệm” cho các dự án, sản phẩm mới của các hãng hàng không.
 Doanh nhân Phan Hồng Châu.
“Những người khai phá luôn khó khăn hơn, gặp nhiều chông gai hơn, chi phí nhiều hơn nhưng ngược lại, đó là cơ hội chỉ họ nắm được” - bà Châu khẳng định và minh chứng: “Vừa rồi, Vietnam Airlines triển khai sản phẩm mới trên hệ thống, Esperantotur đã đồng hành chạy thí điểm 2 tháng liền nên khi chuyển đổi, chúng tôi lập tức bán hàng ngay. Trong khi, các đại lý khác phải mất vài tuần đến một tháng để làm quen. Khoảng thời gian đó, khách hàng của họ có thể đã chuyển sang sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Kinh doanh, hơn nhau ở tư duy đường dài”.
Ngay cả việc Esperantotur là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng cáp quang vào hoạt động kinh doanh ở Hà Nội, trước đó xuất vé máy bay phải mất khoảng 5 - 10 phút thì khi có cáp quang chỉ mất 1 - 3 phút. Nhân viên và khách hàng đều hài lòng. Hơn nữa, với dịch vụ bán vé máy bay toàn cầu DN nào “cướp chỗ” nhanh hơn sẽ thắng vì số vé giá rẻ luôn có hạn. “Đầu tư cho công nghệ luôn xứng đáng” - CEO Esperantotur nhấn mạnh.
Coi nhân viên như ruột thịt
Chia sẻ bí quyết đạt được hàng ngàn giải thưởng lớn, nhỏ gần 30 năm qua, bà Châu không ngần ngại tiết lộ: “Đó là luôn coi khách hàng là thượng đế, coi nhân viên như ruột thịt, coi đối tác là chiến hữu, coi đối thủ là bạn”.
“Khách hàng được phục vụ tốt với giá rẻ, họ sẽ tin tưởng mình. Hãy nhận lãi ít thôi, thậm chí là hòa vốn thì họ sẽ bền bỉ sử dụng dịch vụ và giới thiệu thêm nhiều khách hàng khác. Việc đó cũng không khác gì bỏ chi phí cho marketing mà lại hiểu quả hơn nhiều” - bà Châu chia sẻ. Vì thế, Esperantotur có rất nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ 5 năm, 10 năm, thậm chí 30 năm qua.
Bà tâm niệm, đối thủ cũng là bạn. “Khi họ hỏi, mình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, họ sẽ biết ơn, trân trọng, nể phục mình. Còn nếu giấu giếm, ích kỷ, họ sẽ thù oán, thậm chí tìm cách “tàn sát” mình” - CEO Esperantotur bày tỏ. Thế nên, trong giới doanh nhân du lịch, bà Châu luôn được yêu quý đặc biệt.
Còn với đối tác, bà luôn hết lòng tư vấn cho các hãng hàng không với tâm thế là một khách hàng thay vì góc độ đại lý bán hàng để ba bên đều có lợi. “Đối tác gặt hái được lợi ích, khách hàng được mua vé nhanh, rẻ thì là đại lý ở giữa, chúng tôi ắt cũng sẽ có lợi. Nếu chỉ chăm chăm lo cho lợi ích cá nhân sẽ kìm hãm sự phát triển chung và về lâu dài đại lý cũng là người chịu thiệt” - bà Châu nhấn mạnh. Bởi vậy, trong giới doanh nhân du lịch, bà Châu luôn được yêu quý đặc biệt.
Đối với nhân viên, trong khi nhiều người thích tuyển nhân sự chậm hiểu để dễ sai bảo, thì ngược lại, càng cá tính, càng giỏi bà Châu càng ra sức mời bằng được. Bà lý giải: “Nhân viên giỏi, lãnh đạo sẽ nhàn, hiệu quả công việc vượt trội. Tất nhiên, điều khiển người giỏi hơn mình rất khó. Nên, đối với nhân viên, tôi luôn coi họ như ruột thịt. Chỉ có nhân tâm mới thu phục được lòng người tuyệt đối”.
Công ty như gia đình thứ hai của bà Châu vậy. Nhân viên của bà, ai đã được gia đình dạy dỗ chuẩn chỉnh rồi thì học thêm chuyên môn, ai thiệt thòi chưa được giáo dục tốt sẽ được bà uốn nắn. Bà tâm sự: “Trong công ty, nhân viên phải hỗ trợ nhau về chuyên môn, nếu để xảy ra ganh đua không lành mạnh về chuyên môn, họ có thể sẽ tàn sát lẫn nhau, chà đạp lên nhau để bán hàng”.
Esperantotur chia ra các đội, nhóm để hỗ trợ nhau về chuyên môn, ai giỏi lĩnh vực gì thì phát huy chủ yếu ở mảng đó, nhưng tất cả những việc khác đều được huấn luyện. CEO Esperantotur cho biết: “Việc chuyên môn hóa rất tốt, chúng tôi vẫn áp dụng. Nhưng nhân viên của tôi vẫn giỏi toàn diện. Trong mọi tình huống, họ hỗ trợ cho nhau để các mắt xích không bao giờ đứt đoạn”.
Nữ doanh nhân còn áp dụng chính sách thâm niên để thể hiện lòng biết ơn đối với những nhân viên có nhiều đóng góp cho công ty. Có lần, hai nhân viên của Hy vọng tiễn khách hàng ở sân bay về lúc một giờ sáng, gặp người bị tai nạn ngã ở chân cầu Nhật Tân. Họ đã giúp đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Khi biết tin, bà Châu đã biểu dương, khen ngợi trước công ty và tăng ngay một bậc lương cho mỗi nhân viên. Thế nên, mấy chục năm qua, chỉ có một đến hai nhân viên của bà nghỉ việc vì không đáp ứng được yêu cầu. Esperantotur chỉ tuyển mới nhân sự chứ không có người bỏ bà đi theo lời mời gọi của các đơn vị khác.
Ngay khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh, doanh thu của Esperantotur những tháng qua chỉ đạt 5 - 20%, bà Châu vẫn giữ 100% quân số. “Tôi luôn muốn Esperantotur là một gia đình hạnh phúc chứ không chỉ là nơi kiếm tiền. Dù doanh thu của Esperantotur xuống thấp chưa từng thấy, nhưng dù có phải bán nhà, bán xe tôi cũng vẫn gắng gượng đến cùng.
Thậm chí, những lúc rảnh, tôi còn nấu các món ngon cho nhân viên, rồi ghi công thức cho họ về trổ tài với gia đình. Phải coi nhân viên như người thân, như ruột thịt thì DN mới có thể phát triển bền vững” - bà Châu chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh nhân Phan Hồng Châu còn thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện như tri ân các gia đình chính sách, người dân vùng lũ, các bệnh nhân nhí có hoàn cảnh khó khăn… Bà muốn các bạn trẻ trong công ty thêm thấu hiểu và biết ơn những hy sinh to lớn của cha ông, biết thương yêu và chia sẻ, biết coi việc làm từ thiện như một công việc hàng ngày để dâng cho đời những điều ý nghĩa.
Bà Châu tâm sự: “Tôi chỉ giữ cho gia đình khoản tiền đủ để sinh hoạt hàng tháng hay có việc đại sự thì đóng góp. Còn lại, nếu không chia cho nhân viên, chia sẻ những lúc khó khăn với họ, bà đều mang giúp người nghèo”.
Với triết lý sống và kinh doanh lương thiện, tin chắc doanh nhân Phan Hồng Châu sẽ đưa con thuyền Esperantotur vượt qua sóng gió lần này và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”.
Phía sau thương trường, doanh nhân, hoa khôi Phan Hồng Châu là hậu phương vững chắc của ba nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới. Đó là PGS. TS Lưu Quang Minh - nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - chồng bà và hai nghệ sĩ Piano nổi tiếng Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh - đều đạt Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là con bà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần