Qua giới thiệu, chúng tôi đến cơ sở thêu mỹ nghệ Hoàng Thị Khương ở xóm 1, đội 5. Chị Khương cho biết năm 1965, khi chị được ba tháng tuổi thì bị liệt sau một trận sốt nặng.
Chạy chữa khỏi bệnh thì chân phải vừa bị teo vừa ngắn hơn chân trái đeo đẳng đến tận bây giờ cho nên đi lại khó khăn. Nhưng bù lại, chị có trí thông minh và hai bàn tay khéo léo. Lên sáu tuổi, chị được mẹ dạy thêu và thành nghề. Sinh sống bằng nghề do khách đặt hàng, đến năm1996 thì chị đi vào sáng tác tranh thêu nghệ thuật.
Không thể đi đó đi đây tham quan du lịch như người lành lặn, nhiều tác phẩm của chị hình thành bằng sự tưởng tượng, chị được TP Hà Nội tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2015. Chị còn tiếp cận được với internet để trao đổi ithông tin mà nhiều người khỏe mạnh cùng lứa tuổi, cùng quê không làm được. Chị có nhiều tác phẩm được giải thưởng và bằng khen nhưng không bán.
Năm nay chị có thêm hai niềm vui. Một là được giải Nhì với tác phẩm tranh thêu “Hồn quê” tại cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019. Hai là chị được dự cuộc hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập có tên Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thủ đô Niu Đen-li (Ấn độ), mang theo một số tác phẩm tiêu biểu của mình.
Chị đã dạy nghề cho 500 người trong thôn và trẻ em các nơi như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…Nhiệt tình giúp đỡ, thông cảm với người khuyết tật, chị được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín năm 2016.
Một số tác phẩm của Nghệ nhân Hoàng Thị Khương:
Với hoàn cảnh hiện tại, mong ước của chị là được giúp đỡ tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm tranh thêu tại trung tâm Hà Nội.