“Nữ quái” cầm đầu đường dây lừa đảo xin việc lĩnh án

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo Vũ Thị Hồng Vân (Sinh năm 1977, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên), Đặng Hoàng Lan Hương (Sinh năm 1964, ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Nguyễn Hữu Hồng (Sinh năm 1982, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và Đỗ Khắc Phê (Sinh năm 1960, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bốn bị cáo này được xác định nằm trong đường dây lừa đảo xin việc và xin học với giá hàng trăm triệu đồng.
 Bị cáo Vũ Thị Hồng Vân (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng phạm tại phiên tòa.
Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2013, thông qua mối quan hệ xã hội thì hai bị can Vân và Hương quen biết nhau. Dù không có khả năng trong việc tuyển sinh, tuyển dụng nhưng vì muốn có tiền để chi tiêu cá nhân nên hai bị can trên đã bàn bạc với nhau để cùng đi lừa đảo. Đối tượng mà hai bị can này nhắm tới là những người có nhu cầu xin việc làm vào các cơ quan nhà nước hoặc xin đủ điểm đi học ở các trường chuyên nghiệp cho con cháu của họ. Trước khi thực hiện các “phi vụ” lừa đảo, Vân và Hương thỏa thuận mỗi trường hợp sẽ thu từ 200 - 350 triệu đồng tùy theo công việc. Trong đó, bị can Hương là người chịu trách nhiệm tìm những người có nhu cầu và Vân lo về phần thủ tục, hồ sơ giấy tờ.

Trước đó, do đã nhiều lần trả nợ hộ Hồng nên khi Vân đặt vấn đề làm giả các giấy tờ thì bị can này đồng ý ngay. Theo đó, để tạo lòng tin với những người có nhu cầu xin việc, Vân đã yêu cầu Hồng làm giả các giấy thông báo tuyển sinh, các quyết định tiếp nhận công chức... Sau khi công đoạn “chế tác” hoàn thành, Vân sẽ gửi cho các bị hại để họ tiếp tục đưa tiền. Để có thể làm giả giấy tờ, bị can Hồng đã lên mạng internet rồi tra cứu các biểu mẫu của Học viện Cảnh sát Nhân dân và chữ ký của lãnh đạo các đơn vị này để làm giả các quyết định điều động, chấp nhận phân công công tác của các cơ quan như: Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ, Cục Tổ chức cán bộ... Tiếp đó, bị can Hương có nhiệm vụ đưa những quyết định giả này cho các bị hại để họ tin tưởng.

Cũng theo truy tố, bị can Phê (người sống chung với Hương như vợ chồng) không biết Vân làm nghề gì và có khả năng như thế nào. Tuy nhiên, khi thấy Vân và Hương bàn bạc với nhau về việc nhận hồ sơ để lo xin việc thì Phê cũng giới thiệu với bạn bè là mình có mối quan hệ để nhận hồ sơ và tiền. Thế nhưng, số tiền đã nhận của các bị hại, Hương và Phê chỉ đưa một phần cho Vân. Đối với số tiền còn lại, hai bị can này sử dụng để chi tiêu cá nhân. Còn về phần Vân, sau khi nhận tiền đã không có bất cứ hành động gì để lo xin việc, xin học mà cũng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra đã xác định được, với thủ đoạn trên, từ tháng 11/2014 - 11/2015, các bị can Vân, Hương, Phê cùng với Hồng đã chiếm đoạt của 6 bị hại với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và 5.000 USD. Trong đó, bị cáo Vân và Hồng phải chịu trách nhiệm số tiền chiếm đoạt là 1,9 tỷ đồng; Hương là 1,2 tỷ đồng và Phê là 750 triệu đồng.

Tại tòa, hai bị cáo Vân và Hương đều thừa nhận, bản thân không có mối quan hệ nào để có thể xin việc hoặc xin học cho các bị hại. Vì vậy, sau khi nhận tiền từ các bị hại xong, Vân bảo Hồng “sản xuất” giấy tờ giả để tiếp tục chiếm đoạt thêm tiền của những người khác.

Bên cạnh đó, bị cáo Hương và Phê cũng khai nhận, mặc dù biết rõ Vân không có vị thế gì trong xã hội và cũng không có khả năng chạy được việc làm nhưng do hám lợi nên “cặp vợ chồng” này vẫn làm liều. Tương tự, bị cáo Hồng cũng khai khi nhận, dù biết việc làm giả giấy tờ cho Vân là việc làm trái pháp luật nhưng vì cả nể nên đã làm bừa.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Hồng Vân 14 năm tù và Nguyễn Hữu Hồng 11 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Hai bị cáo Đặng Hoàng Lan Hương lĩnh án 13 năm tù và Đỗ Khắc Phê 8 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần