Nữ Thiếu tá CSGT có tài “thuyết khách”

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 20 năm công tác trong ngành công an, Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - Đội phó Đội CSGT Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) không nghĩ có một ngày chị được nhiều “cư dân mạng” biết đến và quan tâm động viên đến vậy.

Đó là lúc hình ảnh Thiếu tá Tuyết được chia sẻ trên mạng xã hội khi chị điều khiển môtô công vụ chở cháu học sinh đến trường trong dịp Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Có dịp trò chuyện với Thiếu tá Tuyết, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về nghề mà chị đã trải qua…
Thiếu tá Tuyết (cầm bảng hương dẫn bên trái) tuyên truyền ATGT tại trường Tiểu học Lý Công Uẩn.
“Thuyết khách” bất đắc dĩ

Chúng tôi có dịp chứng kiến tài “thuyết khách” của Thiếu tá Tuyết khi chị thuyết phục được một tài xế ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn chấp nhận buông vô-lăng để đi taxi về nhà. Tối đó, Thiếu tá Tuyết cùng đồng đội làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn gần đường 30 Tháng 4, TP Đà Nẵng) thì phát hiện một trung niên điều khiển ôtô có dấu hiệu đã uống rượu bia nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Mặc dù tấp xe vào lề, xuất trình giấy tờ nhưng người đàn ông luôn viện cớ để tránh việc kiểm tra nồng độ cồn và đôi lúc tỏ thái độ gay gắt với tổ CSGT đang làm nhiệm vụ.
Trước tình hình đó, Thiếu tá Tuyết đã trao đổi, phân tích bằng những lý lẽ hết sức thuyết phục nên người tài xế nhận ra cái sai của mình và nghiêm túc chấp hành yêu cầu kiểm tra của tổ CSGT. Điều đặc biệt, từ sự phân tích của Thiếu tá Tuyết, người tài xế trên đã chấp nhận giao ô tô cho lực lượng chức năng và đón taxi về nhà, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa đảm bảo ATGT cho những người tham gia giao thông khác.
Ngoài câu chuyện trên, Thiếu tá Tuyết còn kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm TTATGT trên địa bàn được phân công. Điển hình như vụ việc một cụ ông vi phạm giao thông trên đường Bạch Đằng, tỏ thái độ chây ỳ với tổ CSGT làm nhiệm vụ. Biết cụ ông sai mười mươi nhưng để ông “tâm phục khẩu phục”, chị Tuyết đã tìm cách hỏi han về gia đình, người thân của cụ ông, đồng thời kiên trì “đòn tâm lý” để ông cụ nhận thấy cái sai của mình. “Khi đó mình phải sắm vai như con cháu của ông cụ để khuyên nhủ, bởi tâm lý bậc làm ông, làm cha lúc nào cũng không muốn con cháu biết, thấy cái sai của mình. Vì vậy, khi phân tích trúng tâm lý e ngại đó thì ông cụ đã đồng ý đưa phương tiện về cơ quan công an làm việc”, Thiếu tá Tuyết kể.
Khi được hỏi về tài “thuyết khách” những người vi phạm Luật ATGT như trường hợp trên, Thiếu tá Tuyết cho rằng: “Nói là tài thuyết khách thì hơi quá, nhưng mình phải biết cách phân tích, vận động người vi phạm tự nguyện chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lực lượng CSGT. Bởi tâm lý chung của người vi phạm ATGT đều cố né tránh việc kiểm tra của CSGT, thậm chí có trường hợp bất hợp tác, chống đối để lấp liếm vi phạm của họ”.
Theo Thiếu tá Tuyết, việc đầu tiên của cán bộ chiến sĩ CSGT là khi làm nhiệm vụ phải thực hiện đúng quy trình, quy định TTKS và có thái độ tiếp xúc với người dân nhã nhặn, từ tốn nhưng cũng phải rõ ràng, cương quyết. “Ấn tượng tiếp xúc ban đầu rất quan trọng, do đó khi thực hiện nhiệm vụ TTKS, cán bộ CSGT phải thể hiện sự thân thiện, đúng điều lệnh. Trong quá trình làm việc, cán bộ CSGT cần giải thích yêu cầu kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo trật tự ATGT, đảm bảo an toàn cho chính người được kiểm tra và những người tham gia giao thông khác”, Thiếu tá Tuyết chia sẻ.
Nữ Thiếu tá CSGT có tài “thuyết khách” - Ảnh 2
Hình ảnh Thiếu tá Tuyết chở cháu bé đến trường trong dịp diễn ra hội nghị APEC.
CSGT kiểm tra người tham gia giao thông không phải để xử phạt
Trở lại câu chuyện bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội, Thiếu tá Tuyết nhớ lại, hôm đó là trưa 8/11/2017, chị được phân công nhiệm vụ phân luồng giao thông, đảm bảo ANTT tại bùng giao lộ Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm - Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng) để đón một đoàn nguyên thủ nước ngoài sang dự Hội nghị Cấp cao APEC. Thời điểm đó, nhiều tuyến đường giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh đều bị “cắt đường” nên giao thông xung quanh bị tắc nghẽn cục bộ. Khi đoàn xe ngoại giao đi qua, mặt dù các tuyến đường hết phong tỏa nhưng tình trạng giao thông vẫn ùn ứ nghiêm trọng, ngay lúc đó có một cháu bé được mẹ chở đi học nhưng vì tắt đường nên phải đi bộ đến trường.
Do sắp vào giờ học, thấy vậy nên Thiếu tá Tuyết đã linh động sử dụng xe môtô công vụ chở cháu bé đến trường. Ngay sau đó, hình ảnh nữ CSGT chở cháu bé đến trường được nhiều “cư dân mạng” chia sẻ, bình luận khen ngợi việc làm của chị. Tuy nhiên, cũng có những bình luận góp ý về việc nữ CSGT chở cháu bé không đội MBH là chưa chấp hành đúng quy định… Về điều này, Thiếu tá Tuyết tâm sự: “Sau khi phân luồng giao thông và đoàn xe ngoại giao APEC đi qua, nhưng vẫn quá đông mà cháu bé thì sắp muộn giờ học, thấy cháu rơm rớm nước mắt nên mình linh động dùng xe công vụ chở cháu đến trường, dù biết cháu không có MBH".
Về câu chuyện đột ngột nổi tiếng trên mạng xã hội với bức hình chở cháu bé đến trường, Thiếu tá Tuyết cho biết bản thân chị rất thích thú đối với việc tuyên truyền pháp luật về ATGT cho các em học sinh. Bởi theo chị, mỗi khi được đứng trước các cháu học sinh tuyên truyền về ATGT, chị như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết với công việc và niềm yêu nghề. “Nhìn các em chăm chú lắng nghe, sối nổi phát biểu, nắm rõ những nội dung về ATGT vừa được tuyên truyền mình thấy hạnh phúc lắm!”, chị Tuyến nói.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, mỗi người có cái nhìn riêng về lực lượng CSGT, bản thân chị, với những việc làm nêu trên thật sự “nhỏ nhoi”, góp phần nào giúp người dân có cái nhìn đúng đắn hơn về lực lượng CSGT. “Nhiệm vụ của lực lượng CSGT là gìn giữ  trật tự ATGT, ngăn chặn kịp thời và xử lý những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Việc CSGT kiểm tra người tham gia giao thông không phải để xử phạt mà là giúp người dân nhận biết lỗi vi phạm và đảm bảo sự an toàn cho mọi người khi ra đường”, Thiếu tá Tuyết nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần