Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu tế bào gốc

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (SN 1986), công tác tại Viện tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) đang nuôi dưỡng cho mình ước mơ khởi nghiệp từ chính các sản phẩm đã nghiên cứu thành công. Chị là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

Tâm sự với chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Vũ Bích Ngọc cho biết, nghiên cứu khoa học tuy không phải công việc mơ ước lúc nhỏ, nhưng đến năm thứ 3 đại học (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) thì chị dần yêu thích sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu dự thi cấp trường. Quan trọng hơn cả, chính sự nhiệt huyết từ thầy cô hướng dẫn đã lan tỏa, tạo cho chị sự hứng thú với nghề cho đến hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 cho TS Vũ Bích Ngọc.
Với TS Vũ Bích Ngọc, mọi ý tưởng nghiên cứu đều bắt nguồn từ việc tham dự các hội thảo, hội nghị - nơi những kiến thức chuyên sâu được chia sẻ bởi những chuyên gia đầu ngành. Nhờ thế, những dự án nghiên cứu mà chị thực hiện hoặc cùng tham gia như điều trị bệnh ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, điều trị bệnh tiểu đường bằng tế bào gốc, nghiên cứu liệu pháp điều trị bệnh tim mạch… đạt nhiều kết quả khả quan.

Chia sẻ về công việc nghiên cứu mình đang theo đuổi, TS Ngọc cho rằng, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta còn nhiều hạn chế. Số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế còn ít. Số lượng sản phẩm ứng dụng ra thị trường cũng rất giới hạn… Tuy nhiên, một số BV trên toàn quốc đang tăng cường xây dựng các đơn vị chuyên môn ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, đồng thời Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho điều trị hoặc phê duyệt các đề tài dự án cho phép thử nghiệm lâm sàng một số bệnh như đái tháo đường sử dụng tế bào gốc. Đây chính là một thuận lợi rất lớn cho ngành nghiên cứu y học tại Việt Nam.

11 năm nghiên cứu tế bào gốc, TS Ngọc thấm thía: “Nghiên cứu là một nghề rất thú vị, đôi khi các giả định ban đầu của mình đề ra không dẫn đến các kết quả như mình mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình làm thì mình thu nhận được rất nhiều thông tin mới. Những thông tin đó trở thành kinh nghiệm quý giá cho các thí nghiệm về sau và là nguồn tri thức mới cho chính bản thân mình”.

Không chỉ vậy, TS Vũ Bích Ngọc còn là chủ nhiệm nhiều đề tài về tế bào gốc, trong đó có “Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) để tiêu diệt tế bào ung thư vú” đã được thử nghiệm cho kết quả khả quan. “Tế bào gốc không chỉ phục vụ ngành y học, mà nó cũng giúp ích cho nông nghiệp ví dụ nghiên cứu những động vật cảnh có khả năng phát sáng, thậm chí có thể nghiên cứu những chất có lợi cho con người”, TS Ngọc nói. Chị cũng từng là thành viên tham gia đề tài “Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp”.

Trước thực tế bệnh nhân đái tháo đường ngày càng tăng, TS Ngọc cùng cộng sự đã triển khai đề tài: "Nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc, 2012-2016". Đây là đề tài độc lập cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại xuất sắc.
TS Vũ Bích Ngọc (giữa) đang trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong Viện Tế bào gốc. Ảnh: Đ.D.
Sau những giờ nghiên cứu, nữ TS trẻ lại lên giảng đường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng sinh viên. Rồi lại đôn đáo các phần việc cho 2 đề tài nghiên cứu khoa học về mạch máu và mô sụn nhân tạo. Chị mong muốn sớm tạo ra được mô sụn nhân tạo đủ tiêu chuẩn cấy ghép vào cơ thể người để điều trị trong thoái hóa sụn khớp. Xa hơn, kết quả đề tài của chị có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y học, mỹ phẩm, lai tạo giống…

Với tài năng và những cống hiến trong lĩnh vực khoa học, TS Vũ Bích Ngọc đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng cao quý. Tuy nhiên, chị lại khiêm tốn cho rằng, công việc nghiên cứu của mình chỉ thật sự ý nghĩa khi thành quả được áp dụng nhiều ở ngoài thực tế, giúp ích cho mọi người. “Cho dù gặp nhiều chông gai trên con đường nghiên cứu khoa học nhưng với tôi, đó là sự lựa chọn đúng đắn với bản thân. Tình yêu với khoa học, với lĩnh vực tế bào gốc trở thành niềm đam mê cháy bỏng trong tôi, càng khó khăn, tôi sẽ càng kiên trì theo đuổi”, TS Vũ Bích Ngọc khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần