Nữ trí thức ngành Y có nhiều đóng góp bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nữ trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, vừa có tỷ lệ tăng dần ở những năm gần đây, vừa được trẻ hóa. Ðó là một xu hướng phát triển đáng phấn khởi.

Tham gia đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách khác nhau, nữ trí cơ quan Bộ Y tế đã và đang đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Cơ quan Bộ Y tế đã nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Ban Chấp hành Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế diễn ra ngày 27/4 do Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức.
 GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chúc mừng Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế được thành lập từ năm 2018. Từ khi được thành lập, Chi hội đã tập hợp được đông đảo các nữ trí thức trong cơ quan Bộ Y tế tham gia, đã tập hợp được tài năng, trí tuệ, chất xám của trí thức nữ vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động quản lý, hoạt động xã hội khác để đóng góp ngày càng hiệu quả cho việc hoạch định chính sách góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. “Phụ nữ Việt Nam hiện nay nói chung và phụ nữ ngành y tế nói riêng chiếm trên 50 %. Nữ trí thức Việt Nam chính là tinh hoa của một nửa dân số đó, là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc thúc đẩy phụ nữ cả nước tiếp tục "dệt, thêu bức tranh kinh tế tri thức ngày thêm rực rỡ”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Nêu rõ những thách thức trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, trong thời kỳ mới, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức như: Tình hình dịch bệnh ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch mới nổi, biến chủng nguy hiểm đã và sẽ xảy ra trong tương lai như hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng cao. Môi trường làm việc có nhiều áp lực do phải đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, cứu chữa người bệnh. Hệ thống y tế và các chính sách về y tế cũng cần được hoàn thiện phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.
“Do đó, nữ trí thức có nhiệm vụ rất nặng nề luôn phải bồi đắp tri thức. Vì kinh tế tri thức chính là sự hiểu biết, uyên thâm, vận dụng vào thực tế, nên chị em phải học, học nữa, học mãi, có kiến thức mới tự tin trong học tập và làm việc, Đoàn kết, cùng hội nhập, khắc phục khó khăn”- GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế cho biết, bộ phận nữ trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, dù chiếm tỷ lệ chưa cao, nhưng đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của ngành y tế.
Trong thời gian tới, Chi hội Nữ trí thức cơ quan Bộ Y tế sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch hoạt động Chi hội giai đoạn 2021-2023, với 5 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Chi hội vững mạnh. Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ phát triển các tài năng nữ, có triển vọng và tôn vinh các nữ trí thức tài năng của Bộ Y tế. Bảo vệ các quyền hợp pháp về nghề nghiệp và hoạt động sáng tạo của hội viên khi tham gia hoạt động chi hội. Thực hiện vai trò là thành viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam và tăng cường hợp tác với các Chi hội thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần