Nữ tự vệ chít khăn tang trên mâm pháo

Hồ Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi đã không thể rời mắt khỏi bức chân dung bà Phạm Thị Viễn thủa 20 với đôi mắt rực lửa.

Khi đó, mặc dù vừa trải qua nỗi đau mất cha, nhưng cô gái vẫn trực chiến đêm ngày trên mâm pháo để tiêu diệt máy bay địch... Ánh mắt ấy cũng thể hiện ý chí quyết tâm của những người con Thủ đô, làm nên bản hùng ca bất diệt “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Căn nhà nhỏ của bà Viễn nằm sâu trong con ngõ dài trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nếu chỉ nhìn người phụ nữ đã 66 tuổi với nụ cười hiền hậu này, mà không được nghe câu chuyện của bà thì không ai có thể hình dung được đây chính là một trong những nữ tự vệ từng lập nên những chiến công hào hùng năm xưa.

Đã 45 năm, nhưng dòng ký ức bi hùng về những ngày Mỹ rải bom B52 xuống Hà Nội vẫn chưa bao giờ vơi trong bà Viễn. Chiến tranh vốn đã ác nghiệt, nhưng với gia đình bà Viễn, nó thật tàn nhẫn. Năm 1967, trong một lần máy bay địch đánh phá, mẹ bà đã nhường chỗ cho một đứa trẻ trong hầm trú ẩn và bị trúng bom, mất tại khu vực Hoàng Mai. Bản thân bà Viễn cũng bị thương ở cổ do vệt bom đó.

Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.  Ảnh: Văn Bảo

Sau mất mát đau thương đó, bà Viễn quyết tâm nộp đơn xin vào Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, phải khai tăng thêm một tuổi để được chấp nhận. Giữa năm 1972, khi đế quốc Mỹ tăng cường không lực với các loại máy bay tối tân, bà cùng đồng đội được trang bị hai khẩu súng phòng không 14,5mm trực chiến 24/24 tại khu vực gần nhà máy. Trong suốt thời gian từ ngày 18 - 22/12/1972, do súng phòng không của liên đội tự vệ không thể bắn tới tầm bay của máy bay B52, các thành viên trong liên đội được cử sang hỗ trợ, tiếp đạn cho trận địa pháo 100mm. Mỗi lần vác đạn hơn 40kg leo lên dốc ụ súng, cả quả đạn đè nặng trên vai nhưng với ý chí kiên cường, bà Viễn không chùn bước.

Đó là những đêm không ngủ với tinh thần chiến đấu sục sôi nhất không chỉ của bà Viễn mà còn là của cả liên đội tự vệ. Ngày 22/12, máy bay Mỹ “rập rình” vào Hà Nội. Khi đó, trận địa pháo ở Vân Đồn - nơi liên đội tự vệ của bà Viễn trực chiến vẫn trụ vững vàng. Tất cả súng của Liên đội đều quay về hướng 114 để chờ lệnh bắn của Chỉ huy - Trung úy Hoàng Minh Giám. Khoảng 20 giờ 30 phút, mặc bom đạn “rạch ngang trời”, liên đội của bà Viễn vẫn căng mắt đón chờ máy bay tầm thấp. Lúc này, một tốp F111A “cánh cụp cánh xòe” xuất hiện và bay thấp, dọc sông Hồng. Trung úy Hoàng Minh Giám kiên nhẫn rồi hạ lệnh: Một điểm xạ ngắn, bắn! Ngay lập tức, liên đội đồng loạt “khạc lửa” bằng 19 viên đạn 14,5mm.

Đạp xong điểm xạ ngắn đó, liên đội chỉ nhìn thấy chiếc máy bay “bay vèo” qua như một đốm sáng, cũng không chắc rằng có bắn trúng hay không. Chừng 30 phút sau, một chiếc xe quân sự chạy vào thông báo cho Liên đội chờ tin sớm nhất vào sáng mai. “Sáng hôm sau nhận được tin Liên đội tự vệ đã bắn rơi máy bay F111A ở Hòa Bình, quân dân đã bắt sống 2 phi công lái máy bay đó, chúng tôi ôm nhau hò reo trong vui sướng khôn xiết…” – bà Viễn bồi hồi nhớ lại.

Những ngày sau, trận địa pháo cao xạ của bà Viễn không một phút thảnh thơi, các nữ pháo thủ thay phiên nhau trên mâm pháo. Ngày 26/12, bom B52 rải thảm xuống các khu dân cư như phố Khâm Thiên, Yên Viên, Gia Lâm… Không may, những vệt bom tàn ác ấy đã nhẫn tâm cướp đi sinh mạng cha của bà. Rạng sáng hôm sau, bà Viễn đang trực chiến thì nhận được tin dữ. Bà như ngất đi vì đau đớn. Vậy là 2 người thân yêu nhất của bà đã mãi mãi ra đi vì bom đạn quân thù…

Năm 1979, Nhà máy Cơ khí Mai Động được trang bị thêm một đại đội pháo 37mm, với cương vị đại đội phó, bà Viễn gắn bó với trận địa mãi đến năm 1989 mới trở lại nhà máy làm việc. Cuộc sống khó khăn khiến bà phải xin nghỉ hưu sớm và bươn chải đủ nghề để nuôi dạy các con trưởng thành. Nhưng dù thế nào, bà vẫn luôn được bà con trong xóm tín nhiệm tham gia các hoạt động xây dựng địa phương.

Và rồi sau 30 năm, tấm ảnh cô gái chít khăn tang bên mâm pháo do phóng viên chiến trường Văn Bảo chụp đã đến tay nhân vật chính trong ảnh. Câu chuyện của bà đã gây xúc động cho nhà thơ Tố Hữu trong một lần cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Nhà máy Cơ khí Mai Động, để rồi ông đã viết: "Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…” (“Việt Nam máu và hoa”).

Bức ảnh cùng những câu thơ ấy đã luôn khắc sâu trong tâm trí bà Viễn suốt hơn 40 năm qua, để nhớ về một dòng ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng.