Nửa chặng đường tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020: Phía trước còn chông gai

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của tái cơ cấu nhằm có mô hình tăng trưởng kinh tế mới, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

 PGS. TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện xem ra tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Đây là nhận định của PGS. TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Các dòng chảy lớn vẫn chậm

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2010 chưa được như mong đợi. Ông có ý kiến gì về đánh giá này?

- Khi đánh giá hiệu quả của tái cơ cấu các khu vực cần xem đóng góp vào tăng trưởng thế nào. Ví dụ như tái cơ cấu trong đầu tư công phải đo lường bằng hiệu quả đầu tư công đem lại. Thực tế thời gian qua dù có đem lại cho tăng trưởng nhưng cũng phải nhìn nhận đầu tư công chưa đạt như mong đợi. Đầu tư công của chúng ta triển khai quá chậm, vượt dự toán. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của kế hoạch vay, trả nợ công đến năm 2020.

Với việc thực hiện cơ cấu lại DNNN, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) 146 DNNN, nhưng việc thoái vốn, CPH được đánh giá còn chậm. Mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài cũng khó đạt, Đề án xử lý 12 dự án thua lỗ vẫn thiếu nguồn lực. Mục tiêu phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN hay nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN… cũng không dễ dàng.

Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn giải quyết rất tốt bài toán về xử lý các tổ chức tín dùng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu… Dù vậy thực hiện cơ cấu lại các TCTD còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém.

Vậy cần giải quyết những bất cập của tái cơ cấu DNNN và đầu tư công theo hướng nào trong giai đoạn 2016 - 2020, thưa ông?

- Tái cơ cấu DNNN đã và đang xử lý DNNN yếu kém và tiến hành CPH. Nhưng điều quan trọng sau đó là chuyển vốn về ngân sách như thế nào. Tiền bán cổ phần mỗi năm thu khoảng 50.000 tỷ đồng, tiền cổ tức của DNNN mỗi năm 50.000 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, CPH chậm cũng có nguyên nhân do khâu thể chế ràng buộc trong định giá…
 Sản xuất kính hộp tại Khu Công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Danh Lam
Dàn trải, lãng phí trong đầu tư công là một điểm nghẽn cần giải quyết. Phân bổ nguồn lực phải trên cơ sở ngành, lĩnh vực nào hiệu quả, tạo ra tiền của thì đầu tư, không thể đầu tư tràn lan. Thứ nữa, giải ngân vốn đầu tư công chậm, cái này cần phân tích kỹ. Nếu vướng về thủ tục phải thay đổi thủ tục. Thực tế trên cho thấy phải sớm hoàn thiện sửa Luật Đầu tư công, đồng thời thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Đổi mới thể chế kinh tế

Trong mục tiêu đề ra tái cơ cấu đầu tư công làm sao tăng hiệu quả đầu tư từ khu vực tư nhân, nhưng theo ĐBQH Bùi Minh Châu (Phú Thọ) chia sẻ, hai năm trở lại đây, không có một nhà đầu tư (NĐT) nào dám đầu tư BOT, tương tự với việc tạm dừng BT gây thiệt hại cho NĐT. Quan điểm của ông thế nào? Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN hay không, thưa ông?

- Trong tái cơ cấu đầu tư công còn có tái cơ cấu trong đầu tư xã hội. Đầu tư khu vực Nhà nước đã giảm đi từ trên 40% xuống còn 35% để giành cho khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút theo hình thức PPP phải khẳng định đây là chủ trương rất tốt, tất cả các quốc gia đều phải làm nhưng cách thức làm có chỗ được, có chỗ chưa được. Giai đoạn vừa qua hoạt động của các cơ quan quản lý có vẻ cẩn trọng hơn. Một dự án đầu tư bây giờ phải xin ý kiến ở địa phương, phải qua nhiều quy trình chặt chẽ. Thời gian hoàn tất thủ tục quá dài. Muốn rút ngắn thời gian khi phê duyệt cần ấn định mỗi việc bao nhiêu ngày, bớt khâu trung gian. Cơ quan quản lý đang rà lại thể chế để sớm hoàn thiện BT, BOT, đồng thời Chính phủ phải tập trung rà soát quy định khuyến khích NĐT.

Về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, mặc dù mới thành lập nhưng vấn đề tới đây là làm sao tách bạch giữa 3 chức năng: Quản lý Nhà nước theo chuyên ngành của các bộ ngành; chức năng quản lý vốn của Nhà nước của DN do Ủy ban quản lý vốn; và chức năng quản trị DN giao cho đội ngũ đại diện quản trị DN đó, để DNNN hoạt động hiệu quả đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Trong thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu rõ khó hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN, kinh doanh và môi trường kinh doanh còn chậm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Dù Chính phủ rất quyết liệt nhưng chúng ta chưa hài lòng với các chỉ số năng lực cạnh tranh của DN hay vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ phải tiếp tục cải cách hành chính tốt hơn và đặc biệt là trách nhiệm của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để DN cũng như bộ máy quản lý Nhà nước được thực thi một cách dễ dàng, qua đó hỗ trợ DN phát triển, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong khu vực.

Để DN trong nước lớn mạnh, phải triển khai những giải pháp hiện có như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hỗ trợ DN. Cần tập trung tối đa tạo điều kiện cho DN tư nhân và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển. Chúng ta phải tranh thủ tận dụng được nguồn vốn FDI nhất là các dòng vốn có công nghệ cao để lan tỏa và kết nối với DN trong nước, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo.

Bối cảnh thế giới hiện nay đã khác điều này có ảnh thưởng tới mục tiêu của Đề án tái cơ cấu đặt ra? Tăng trưởng thời gian tới dựa vào động lực nào, thưa ông?

- Cách mạng công nghiệp 4.0 với Uber, Grab, thanh toán điện tử, robot, ô tô tự lái... đang ập vào Việt Nam rất nhanh mà chúng ta chưa hình dung hết. Rõ ràng càng tiếp cận nhanh và chủ động thì chúng ta càng có cơ hội bắt kịp thời đại. Chúng ta có thể tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của xu thế hội nhập để gắn kết giữa tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, do hội nhập quốc tế có thể đóng vai trò tích cực giúp thu hút nguồn lực (vốn, công nghệ, tri thức…) cho tái cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tái cơ cấu kinh tế hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho hội nhập quốc tế.

Khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên? Thật khó mà nói trong bối cảnh đó thì tăng trưởng tới đây sẽ bằng gì, nhưng theo tôi vẫn nên dựa vào tam giác là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch đẳng cấp cao và công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020:

Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4). Hàng năm có 30 - 35% DN hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN.