Nước mắt bác sĩ

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu lên tiếng sau khi bị người nhà bệnh nhân hành hung, bác sĩ trẻ Hồng Chiến (Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã có những chia sẻ thắt lòng, rằng mình không muốn kết luận sự đúng, sai, không muốn thanh minh, hãy để cơ quan chức năng vào cuộc.

Lý do là bởi “mình nói không ai tin, người ta không tin bác sĩ". Điều duy nhất anh khẳng định, "dù bác sĩ có bị chèn ép thế nào đi nữa, họ vẫn phục vụ những người đánh họ". Anh đã rơi nước mắt khi chia sẻ những điều này, giọt nước mắt tủi thân, nước mắt của sự bất lực, không chỉ riêng anh, mà cả đội ngũ thầy thuốc bất lực trước nạn hành hung nhân viên y tế.
 Một vụ hành hung bác sĩ.

“Người ta không tin bác sĩ”, câu chuyện thiếu niềm tin này còn bởi nhiều nguyên nhân, nhưng dù bất cứ nguyên nhân nào, việc tấn công bác sĩ là vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Khi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, điều gì khiến bà tâm tư, trăn trở nhất, bà chia sẻ, đó là việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người thầy thuốc. Bởi theo bà, ca mổ dù khó đến mấy, vẫn có thể thành công, bệnh tình dù nan giải thế nào, vẫn có hướng khắc phục, trừ trường hợp bất khả kháng. Nhưng riêng vấn đề bạo hành nhân viên y tế, mình ngành y khó cải thiện nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và cả chính bệnh nhân, người dân. Bộ trưởng cũng đã nhiều lần rớm nước mắt khi chứng kiến cán bộ, nhân viên của mình bị đánh chảy máu đầu. Bà chia sẻ về sự bất lực của mình, “chúng tôi gần như đơn độc trong đấu tranh với nạn bạo hành y tế”. Máu và nước mắt bác sĩ vẫn rơi bên những trang bệnh án, thực trạng này chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cuộc đấu tranh ắt sẽ còn dài lâu. Một điều tra mới đây của Bệnh viện Nhi T.Ư khiến nhiều người đau lòng, có đến 73% điều dưỡng bệnh viện bị bạo hành, không chỉ là những vụ hành hung sứt đầu mẻ trán, mà cả những lời chửi bới, đe dọa thường xuyên khiến cán bộ y tế bị stress. Nhiều thầy thuốc, nhất là những người công tác ở khoa cấp cứu chia sẻ, họ luôn làm việc trong mối bất an bởi “những cái tát bất ngờ” có thể đến bất cứ lúc nào.

Ngành y thường được xưng tụng với nhiều mỹ từ, nhưng dường như đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng” khi tình trạng hành hung nhân viên y tế ngày càng đáng báo động. Đáng buồn hơn, nhiều người lại thấy hả hê, nhảy vào ném đá khi chứng kiến cảnh y, bác sĩ bị đánh. Bởi suy cho cùng, họ đang thiếu niềm tin vào nhân viên y tế, nhất là y tế công. Để vực dậy niềm tin này, ngành y sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thay đổi, trước tiên là thay đổi thái độ đối với bệnh nhân. Nhưng nói như Bộ trưởng, ngành y nỗ lực chưa đủ, mà cần sự vào cuộc từ nhiều phía, cả chính bệnh nhân, người dân và cộng đồng, đừng vì một chút bức xúc mà có những hành vi vi phạm pháp luật. Thầy thuốc hay bệnh nhân, nếu vi phạm đều bị luật pháp trừng trị, nhưng mỗi người hãy tiết chế đi những hành động tiêu cực cá nhân, khi đó mọi chuyện sẽ được giải quyết tích cực hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần