Nước Nga 20 năm sau lời hứa của Tổng thống Putin

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyền Tổng thống Nga năm 2000 Vladimir Putin đã đưa ra rất nhiều lời hứa ngay sau nhậm chức. 2 thập kỷ sau, cựu điệp viên KGB tại Đông Đức ngày nào vẫn đang chắc chắn ngôi vị lãnh đạo Điện Kremlin.

Tháng 8/1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin được bắt gặp cùng một người đàn ông, 46 tuổi, đến từ St.Petersburg, được cho sẽ kế vị ông.
Kết thúc thế kỷ trước là một bước ngoặt lớn đối với Nga: Đêm giao thừa năm 1999, cựu Giám đốc An ninh nội địa Nga ít người biết đến được thông báo sẽ tạm kế nhiệm Tổng thống Boris Yeltsin đã yếu, cho đến cuộc bầu cử vào tháng 3/2000. Ông Putin đã có bài phát biểu năm mới theo sau lời chia tay của cố Tổng thống Yeltsin.
"Giấc mơ sẽ trở thành sự thật vào đêm giao thừa. Đặc biệt là đêm giao thừa năm nay", Tân Tổng thống Putin nói trên truyền hình quốc gia. Ông kêu gọi cả nước cùng nâng ly mừng "thế kỷ mới". Ít ai tưởng tượng được ông Putin sẽ có ảnh hưởng như thế nào trong 20 năm sau đó.
Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng của ông ngày một tăng lên, những lời hứa của ông nay được giới chuyên gia đánh giá thực chất, thông qua các quyết sách của Tổng thống Nga về cả vấn đề đối nội và đối ngoại.
Sức mạnh quân sự trở lại
"Vẫn còn quá sớm để loại bỏ Nga khỏi nhóm cường quốc", ông Putin từng viết trước khi ông lên nắm quyền Tổng thống. Ông hứa sẽ đưa nước Nga trở lại sân khấu thế giới, và thực sự vị nguyên thủ này đã làm được, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và hay việc Nga bị loại khỏi G8. Cho dù là tại cuộc xung đột ở Syria, Ukraine hay Iran, Nga dưới thời Putin vẫn tỏ rõ vị thế lãnh đạo.
Trước cuộc bầu cử năm 2000, ông Putin cũng hứa với các cử tri sẽ củng cố nhà nước Nga, đặc biệt là đổi mới ngành công nghiệp quân sự và vũ khí. Không giống như GDP, sức mạnh của một quốc gia khó có thể đo lường và giới chuyên gia gần như đồng thuận rằng, Nga đã mạnh lên so với năm 2000.
Điều đó bao gồm cả quân đội được hiện đại hóa, mang lại những hiệu quả cụ thể, bao gồm kết quả cuộc chiến tại Georgia năm 2008, hay hoạt động tại Syria kể từ năm 2015 nay. Việc tái thiết vũ trang của Nga tốn không ít thời gian và tiền bạc - ước tính khoảng 315 tỷ USD.
Tổng thống Putin phát biểu chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý của Crimea vào tháng 3/2014.
Kinh tế gần "bắt ​​kịp Bồ Đào Nha"
Ký ức kinh hoàng về cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 vẫn còn đó nơi người Nga khi ông Putin trở thành Tổng thống. Qua một đêm, nhiều người Nga thời điểm đó đã mất sạch những gì họ có. Và khi nhậm chức, tân Tổng thống Putin hứa sẽ "nâng cao mức sống" và đảm bảo "tăng trưởng kinh tế năng động".
Cụ thể, ông ước tính rằng Nga có thể đạt mức GDP bình quân đầu người đương thời của Bồ Đào Nha thời đó trong vòng 15 năm, nếu giữ mức tăng trưởng 8% - hoặc thậm chí có thể là mức của Pháp hoặc Anh nếu đạt 10%.
Câu nói đó đã trở thành một câu khẩu hiệu phổ biến: "Bắt kịp Bồ Đào Nha" - dù đôi khi bị xem như một lời mỉa mai. Tăng trưởng của Nga gia đoạn 1999 - 2007 đạt khoảng 7,1%/năm. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra vào năm 2008 nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Kể từ năm 2000, GDP của Nga đã tăng gấp 5 lần: Từ 300 tỷ USD năm 2000 lên 1,66 nghìn tỷ USD năm 2019.
Bình quân đầu người vẫn chỉ mới gần như đã đạt đến mức của Bồ Đào Nha tại một số thời điểm, ví dụ năm 2013, Nga đạt 24.300 USD so với 25.600 USD của Bồ Đào Nha. Kinh tế Nga chùn bước sau sựu kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014, do các lệnh trừng phạt của Mỹ và liên minh châu Âu (EU).
Các nhà kinh tế chỉ ra một vấn đề của Nga là việc chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô như những năm 2000, khiến giá cả thị trường phụ thuộc vào biến động của thế giới. Chính quyền Putin đã nhiều lần hứa sẽ biến đổi đất nước từ đơn giản là một nhà xuất khẩu nguyên liệu thô sang một quốc gia đa dạng hơn, dựa trên các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng.
Nga tổ chức thành công giải Vô địch bóng đá thế giới World Cup hè 2018.  
Nhân khẩu học: 2 bước tiến, 1 bước lùi
Khi ông Putin nhậm chức, dân số Nga đã bị thu hẹp gần 1 triệu người mỗi năm. Moscow luôn coi đây là một "mối nguy hiểm cho chính sự tồn tại của Nga", một điều dường như khó để đảo ngược. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh tăng lên khi điều kiện kinh tế Nga được cải thiện. Năm 2011, Tổng thống Putin tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã bị đánh bại. Từ năm 2013 - 2015, dân số Nga có dấu hiệu tăng lần đầu tiên trong thế kỷ XXI.
Ông Putin tuyên bố tăng trưởng dân số bền vững là "mục tiêu quốc gia" trong năm 2012. Bộ Y tế Nga báo cáo, tuổi thọ người dân cũng cao hơn, từ 65,5 năm 2000 đến 73,6 vào năm 2019.
Tuy nhiên, dân số Nga lại một lần nữa giảm và với tốc độ nhanh hơn vào năm 2016. Số ca tử vong vượt qua số ca sinh trong 9 tháng đầu năm 2019 ở mức hơn 250.000 người. Theo cơ quan thống kê nhà nước Rosstat, đây là mức giảm tồi tệ nhất trong 11 năm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần