Nước sạch hè 2017: Vẫn nỗi lo thiếu hụt

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mùa Hè đến, nỗi lo thiếu nước sạch lại hiển hiện với người dân Thủ đô. Hè năm 2017, nỗi lo này vẫn chưa hề giảm khi các đơn vị cung cấp nước sạch cho rằng nguồn cung tổng lượng nước có thể thiếu hụt từ 70.000 - 100.000m3/ngày đêm, trong khi nhiều dự án nước sạch vẫn chưa được hoàn thành.

Thức khuya dậy sớm để lấy nước

Mới đầu mùa Hè nhưng tại khu bếp của hộ dân các dãy nhà số 43, 45 phố Hàng Bè, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm lúc nào cũng lỉnh kỉnh các loại xô to xô nhỏ, chậu lớn chậu bé trữ nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Hòa sống tại dãy nhà số 43 chia sẻ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở khu phố này đến cả chục năm nay khi hè đến. Ông Nguyễn Đức Miện, sống tại dãy nhà số 54 Hàng Bè cho biết, từ đầu hè 2017, tình trạng thiếu nước vẫn chưa có cải thiện gì. Nước chỉ có vài tiếng lúc nửa đêm về sáng, người dân thường xuyên phải thức khuya dậy sớm để bơm, hứng nước vào bể chứa, xô chậu để dùng vào ban ngày. “Chúng tôi không cần nước cấp phải mạnh, chỉ cần hàng ngày có đủ nước để người dân sinh hoạt bình thường, không phải mệt mỏi như hiện nay” – ông Miện mong mỏi. Tương tự, tại nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, người dân cũng vô cùng chật vật vì tình trạng khan hiếm nước sạch.

Công nhân vận hành hệ thống bơm tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô do 4 công ty đảm trách, gồm: Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty Nước sạch Hà Đông và Công ty Cấp nước Sơn Tây, cung cấp cho khoảng 1.152.000 hộ dân, tương đương 4,6 triệu người. Theo số liệu thống kê, tổng lượng nước sản xuất, cung cấp của các công ty này đạt trung bình 900.000m3/ngày đêm, trong đó nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý chiếm 2/3 tổng sản lượng.

Theo Sở Xây dựng, vào thời gian cao điểm mùa Hè, nhu cầu dùng nước tăng 12% so với bình thường, do đó lượng nước thiếu hụt dự tính trong thời gian cao điểm sẽ ở mức 70.000 - 100.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, mạng lưới đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội (hiện chiếm 23,4% tổng sản lượng nước của TP) lâu nay luôn trong tình trạng tiềm ẩm nguy cơ cao xảy ra sự cố vỡ ống. Hiện, tuyến ống truyền tải nước sông Đà đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với trước đây, do vậy càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm TP. Trong khi đó, tuyến ống số 2 dự kiến vận hành cấp nước trước 30/5/2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành như cam kết của chủ đầu tư. Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm đang được thi công và theo cam kết của nhà đầu tư thì phải sau 22 tháng nữa mới có thể đi vào hoạt động.

Chủ động các phương án khắc phục

Năm 2017, thời gian hè kéo dài (nhuận tháng Sáu âm lịch) với dự báo thời tiết diễn biến bất thường; chế độ thủy văn có nhiều biến đổi, nguồn nước ngầm bổ cập kém, các giếng tiếp tục suy thoái... sẽ càng khiến tình hình cấp nước nơi cuối nguồn, khu vực có địa hình cao thêm khó khăn. Trước thực tế này, Sở Xây dựng đã yêu cầu 4 công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn TP khẩn trương xây dựng kế hoạch cấp nước mùa Hè năm 2017 trên địa bàn quản lý.

Để bảo đảm việc cấp nước cho khu vực nội thành và một phần ngoại thành, ông Nguyễn Bảo Vinh – Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, Công ty đã xây dựng phương án cấp nước cụ thể cho mùa Hè 2017. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Công ty CP Cấp nước Viwasupco, Viwaco vận hành điều tiết hợp lý để tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà, qua đó cấp bổ sung 20.000 – 30.000m3/ngày đêm cho quận Đống Đa, Cầu Giấy, đơn vị sẽ có phương án cấp nước luân phiên, cấp nước bằng xe téc khi thiếu nước cục bộ, trong đó ưu tiên bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang, khu chung cư. Cùng với đó, Công ty sẽ cử lãnh đạo trực theo ca vào cả ngày nghỉ, ngày lễ trong thời gian cấp nước hè (từ ngày 15/4 đến hết 15/10). “Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin 24/24 giờ về tình trạng mất nước, chất lượng nước để kịp thời cử cán bộ xử lý, trả lời người dân ngay trong ngày” – ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cũng cho biết, để đảm bảo nước sinh hoạt cho 140.000 khách hàng toàn quận và một số vùng phụ cận, Công ty đã thay thế, cải tạo một số tuyến ống truyền dẫn ở sâu dưới lòng đất và lâu năm gây tình trạng mất nước năm 2016 như: Cầu Đơ, Xóm Lẻ Mộ Lao... Ngoài ra, đầu tháng 3/2017 đã khởi công tiếp các khu: Vạn Phúc, Len Nhuộm, Yên Phúc, Xa La, Văn Phú, La Khê... Các phương án điều tiết cấp nước theo nhiệt độ thời tiết, theo nhu cầu từng khu vực, các phương án xử lý, điều tiết giả định khi có sự cố về mất điện, sự cố đường ống cũng được tính đến.

Đại diện các đơn vị cung cấp nước sạch đều khẳng định, các phương án đã được xây dựng chi tiết để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, không thể loại trừ hết trường hợp xảy ra các sự cố liên quan tới máy móc, thiết bị hoặc thiên tai, thời tiết…, nên vẫn sẽ có những khu vực bị mất nước cục bộ. Trong những trường hợp đó, ngành nước cam kết sẽ có ngay các biện pháp xử lý mang tính chất tình thế để cấp nước cho các điểm này. Tuy nhiên, các đơn vị cũng kêu gọi người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả, để có đủ nguồn phân phối cho các khu vực có thể xảy ra thiếu nước.

Dự báo các khu vực khó khăn về nước sạch hè 2017

Quận Ba Đình: Khu vực mặt đường và các ngõ 238 đến 242 Âu Cơ; các hộ mặt đường An Dương Vương; ngõ 479, 497 Âu Cơ; các ngõ 378, 460, 530, 562 Thụy Khuê.

Quận Hoàn Kiếm: Khu vực Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai, Hai Bà Тrưng.

Quận Đống Đa: Ngách 898/1, ngách 426 đường Láng; khu vực bãi rác Thành Công (ngõ 364 Thái Hà, ngách 87/2 Láng Hạ); tổ23 Phương Liên (hồ Ba Mẫu); ngách 25/59 Vũ Ngọc Phan; ngách 24 ngõ Thổ Quan; khu N1, N2, N3 Hoàng Cầu.

Quận Hai Bà Trưng: Phố Hồng Mai; ngõ Hòa Bình 7; khu vực đê Thanh Lương; cơ đê Nguyễn Khoái; dốc Minh Khai; phố Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Cảm Hội, Lương Yên, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu, đê Trần Khát Chân; ngõ Tân Lạc, ngõ Tự Do - phố Đại La; ngõ 15,17,30 Tạ Quang Bửu; ngõ chùa Liên Phái và đê Tô Hoàng phố Bạch Mai.

Quận Hoàng Mai: Khu vực cơ đê Nguyễn Khoái; cơ đê Đồng Trì; Đền Lừ, Bằng A, Bằng B thuộc phường Hoàng Liệt; đường Hoàng Mai; ngõ Thống Nhất phố Đại La; ngõ Trại Cá phố Trương Định.

Quận Cầu Giấy: Ngõ 68 đường Phú Diễn; khu vực đường Văn Tiến Dũng; khu vực Nam Trung Yên.

Quận Long Biên: Khu vực Ngọc Lâm gồm tổ 1, 3; khu vực Sài Đồng gồm tổ 17, 21 và tổ 1, tổ 4 ngoài đê phường Cự Khối.