Sông Hồng mùa nước nổi

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm sau trận lũ lịch sử năm 2008, thủy điện Hòa Bình mới lại mở đồng loạt 8 cửa xả. Cùng với mưa lớn kéo dài, nhiều vùng bãi ven sông Hồng đã bị ngập sâu, khiến đời sống, sản xuất của cư dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề.

Trắng tay do mưa lũ

Ngày hôm qua, tranh thủ thời tiết khô ráo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên, quê Khoái Châu (Hưng Yên) đang mưu sinh ở khu vực bãi giữa sông Hồng khẩn trương bắt tay vào khắc phục hậu quả do mưa lũ. Vì mưu sinh, vợ chồng anh chị đành ngậm ngùi để lại hai đứa con nhỏ ở cùng ông bà nội lên Thủ đô thuê đất sản xuất. Vừa cùng chồng dựng lại chiếc chuồng lợn bị đổ, chị Liên vừa than thở: Nước lên nhanh quá khiến đàn gà 20 con thì chết mất nửa. Bên cạnh đó, 1,5 mẫu canh tác rau màu, ngô, đặc biệt là cây thuốc của anh chị bị hư hỏng hoàn toàn. “Rau màu hỏng thì trồng lại hơn tháng là có thể thu hoạch. Nhưng cây thuốc trồng đã 7 - 8 tháng, sắp đến ngày thu hái thì hỏng hết cả rồi…” - chị Liên thở dài.
Làng chài ven sông Hồng thuộc huyện Đan Phượng lênh đênh giữa dòng nước sông Hồng.
Sản xuất nông nghiệp gần một đời người tại khu vực bãi giữa, ông Bùi Văn Lê chia sẻ, kể từ đợt mưa lớn năm 2008, vùng bãi mới bị ngập sâu đến như vậy. Theo ông Lê, việc hồ chứa thủy điện Hòa Bình mở đồng loạt nhiều cửa xả khiến người dân không kịp xử lý số rau màu, chuối đã đến gần thời điểm thu hoạch. Ông Lê Đức Nhâm - Tổ trưởng Tổ sản xuất Trung Hà, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, khu vực bãi giữa sông Hồng có khoảng 200 hộ đang tham gia sản xuất nông nghiệp, phần lớn có hộ khẩu trên địa bàn.

Không chỉ ở bãi giữa, đợt mưa lớn vừa qua cũng khiến nhiều khu vực ven sông Hồng bị ngập nặng, trong đó, nghiêm trọng nhất là vùng bãi 140ha thuộc bốn xã: Trung Châu, Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Ngày hôm qua, nhiều diện tích ở những khu vực này vẫn bị ngập rất sâu, có nguy cơ mất trắng. Bà con chỉ biết đứng trên bờ nhìn về những diện tích rau màu loi nhoi bị nước lũ nhấn chìm. Ông Thiều Văn Như, thôn 11, xã Trung Châu thở ngắn than dài, khi 3 sào canh tác rau màu, ngô bị hỏng hoàn toàn. Vườn chuối cũng ngập đến gần ngọn. Nhiều hộ dân nơi đây ngậm ngùi cho biết, từ tháng 7/2017 đến nay, các hộ đã gieo ba lứa ngô ngọt, nhưng không lứa nào được thu hoạch do mưa lớn triền miên gây ngập úng nặng.
 Làng chài ven sông Hồng thuộc quận Ba Đình lênh đênh trên dòng sông Hồng
Ngoài rau màu, nuôi trồng thủy sản ven bãi sông cũng chịu ảnh hưởng khá lớn. Anh Nguyễn Văn Dũng ở làng chài thôn Thắng Lợi, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, cho biết: Dù chưa thống kê, tuy nhiên, đợt lũ vừa qua cũng khiến một phần diện tích nuôi cá trắm của gia đình anh bị thiệt hại do cá… sổ lồng.

Bao giờ mới được an cư?

Không chỉ sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân tại những làng chài ven sông Hồng cũng bấp bênh cùng sự lên xuống của con nước. Làng chài phường Tứ Liên, quận Tây Hồ với khoảng 25 hộ dân sinh sống tập trung trên những con thuyền lớn. Đợt lũ vừa qua, dù không thiệt hại về người nhưng người dân làng chài cũng có một phen vất vả.
  Nhiều diện tích chuối của cư dân vùng bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Ngụy, quận Long Biên bị thiệt hại sau mưa lớn
Ông Trần Văn Xuân - một hộ dân sinh sống trên làng chài phường Tứ Liên cho biết, nghe tin lũ lớn về, các gia đình đã chằng chống những con thuyền vào bờ. Trong thời gian nước lũ đổ về lớn vào sáng 12/10, người dân cũng không nán lại trên những con thuyền mà vào bờ trú tránh. Đi trên những chiếc thuyền gỗ đã ọp ẹp qua nhiều năm tháng nổi trôi, chúng tôi cũng không khỏi lo lắng cho số phận của những mái nhà đơn sơ đang chở che những phận đời giữa vùng sông nước nơi đây.
 Vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên ở bãi giữa sông Hồng sửa sang lại chuồng lợn
Cư dân làng chài phường Tứ Liên hầu hết là những người ở các địa phương khác tới neo đậu mưu sinh. Việc được cấp đất để định cư lâu dài trên bờ có lẽ là "giấc mơ xa" đối với các hộ. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình có hộ khẩu thuộc địa bàn các huyện Đan Phượng, Tây Hồ, Long Biên ven sông Hồng, cũng đang phải sống bấp bênh, nổi trôi cùng con nước.
 Nhiều diện tích cây trồng vùng bãi ven sông Hồng thuộc huyện Đan Phượng hiện vẫn đang bị ngập trong nước
Nhiều cư dân làng chài thôn Thắng Lợi, xã Hồng Hà chia sẻ, địa phương có chính sách cấp đất giãn dân nhưng giá đất vượt quá khả năng chi trả của người dân. Thêm nữa, mua đất rồi phải tính chuyện xây nhà. Nhưng đời sống vạn chài quanh năm vất vả, mà có khi chẳng đủ ăn, lấy đâu ra tiền để tính chuyện xây cất nhà cửa, an cư trên bờ?
 Nhiều diện tích cây trồng vùng bãi ven sông Hồng thuộc huyện Đan Phượng hiện vẫn đang bị ngập trong nước
Đi dọc tuyến đê sông Hồng những ngày mưa lũ, cảnh tượng quen thuộc là những chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng nước đỏ quạch. Sông Hồng êm đềm là nơi nuôi dưỡng hàng ngàn cư dân vùng bãi, làng chài. Nhưng trước tác động của con người, sự biến đổi thất thường và khôn lường của thiên nhiên, những hiểm họa từ “dòng sông mẹ” đang dần trở thành câu chuyện khó tránh khỏi mỗi mùa mưa lũ đến. Với người dân vùng bãi ven sông, nguồn kế sinh nhai ổn định và giấc mơ an cư không biết khi nào mới thành hiện thực?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần