Nuôi dưỡng động lực cho doanh nghiệp

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, số DN đăng ký thành lập mới đã liên tục tăng lên (2015 là 94,75 nghìn, tăng 26,6%; 2016 là 110,12 nghìn, tăng 16,2%; 2017 là 126,9 nghìn, tăng 15,2%); 6 tháng 2018 là 64,5 nghìn, tăng 5,3% và là tín hiệu khả quan để cả năm cao hơn năm trước.

Nếu kể cả số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thì số DN gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm nay là gần 81.000, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại so với cả năm trước (12,1%), nhưng tăng lên là tín hiệu khả quan để cả năm 2018 sẽ vượt qua mốc 157,5 nghìn DN gia nhập thị trường.

Tuy vậy, số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng tăng. Trong 6 tháng 2018, số DN giải thể tăng 21,8%, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 39,2%, tính chung rời khỏi thị trường là 59.432 DN, tăng 37,1%, cao hơn tốc độ tăng 5,6% tốc độ tăng số DN gia nhập thị trường, làm cho số DN đang hoạt động tăng chậm lại, ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động vào năm 2020. Đây là một cảnh báo cần thiết.

Khuyến cáo này xuất phát từ sự hình thành và phát triển DN thuộc các thành phần kinh tế là một trong những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới. DN là lực lượng xung kích, động lực của tăng trưởng kinh tế, là tiền đề để hình thành thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Chính vì vậy, việc khởi nghiệp và phát triển DN cần được quan tâm đặc biệt. Nhà nước cần trân trọng ý chí của các doanh nhân, hỗ trợ kịp thời, vì khởi nghiệp đã khó khăn, duy trì hoạt động, phát triển càng khó khăn. Nhất là với DN khi thất bại phải tạm ngừng hoạt động nay hoạt động trở lại càng khó khăn hơn. Kết quả trên đạt được một mặt do có sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì hoạt động, mặt khác cũng phải ghi nhận sự nỗ lực không nhụt chí của các doanh nhân trước khó khăn thách thức, những rủi ro thường gặp trong cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập.