Nuôi dưỡng tâm hồn

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để trẻ bớt ích kỷ, biết nghĩ đến mọi người? Câu hỏi ấy vẫn đang được đặt ra và kinh nghiệm của nhiều người đúc rút ra cho thấy rằng.

Trước hết ở trong gia đình, để dạy con, bố mẹ phải là tấm gương cho con về cách sống quan tâm đến người khác. Trẻ con nhiều khi vô tư, không quan tâm đến mọi người..., sự vô tư sẽ trở thành tính vô tâm khi lớn lên nếu không có sự uốn nắn kịp thời.
 Ảnh minh họa
Hiện nhiều bậc bố mẹ luôn tạo điều kiện cho con em mình được tiếp xúc với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn, không may mắn bằng mình để giúp con cách cảm thông, biết chia sẻ. Họ khéo léo trong việc giáo dục con, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp qua việc dạy cho trẻ biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ dù chỉ là cây bút, cây thước, cái bánh… đến những người xung quanh. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có không ít người trong lời nói, cách ứng xử thường ngày đã gieo rắc cho con trẻ khái niệm chê người này, ghét người kia, dễ dẫn trẻ đến tình trạng tâm lý “dị ứng cuộc sống”.  Hoặc cũng có trường hợp vô tình, do bố mẹ chưa nói một cách tường tận hoặc cũng có thể do trẻ hiểu máy móc nên có những biểu hiện, hành xử ích kỷ với bạn mình. Những người bố người mẹ ấy đã quên mất rằng, những tình cảm hồn nhiên của trẻ với bạn bè phải được trân trọng và nuôi dưỡng, phát triển đúng hướng. Bởi từ sự quan tâm đến bạn bè, mọi người xung quanh, tâm hồn trẻ sẽ dần dà trở nên “giàu có hơn”.
Nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ trở thành người biết quan tâm, tôn trọng, yêu thương mọi người chính là giúp trẻ xây dựng mối quan hệ thân thiện, quý mến giữa con người với con người trong cuộc sống. Trước hết, không thể khác, sự gương mẫu, chuẩn mực của bố mẹ là bài học lớn đối với trẻ. Bởi trong tâm thức của trẻ nhỏ, người lớn có thể trở thành thần tượng, nên các em rất biết nghe lời, lắng nghe và làm theo. Nếu như ở nhà được bố mẹ chăm sóc chu đáo, dành nhiều tình thương yêu thì mỗi lời bố mẹ nói ra, các em “nuốt” dần vào trong tâm hồn và làm theo. Nhiều người cho rằng, trước hết phụ huynh cần hiểu, những từ như “nhân ái”, “sẻ chia” đều là khái niệm trừu tượng. Trẻ chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được bố mẹ hướng dẫn cụ thể bằng các hoạt động đời thường, những sinh hoạt tập thể, vui chơi phù hợp tâm lý lứa tuổi. Bởi thế, việc tích cực giúp trẻ tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho trẻ trải nghiệm thực tế mình đã đầy đủ thế nào và những người bất hạnh hơn mình, họ đã sống và cố gắng ra sao cũng là một cách làm rất tốt để mở rộng tâm hồn. Hiện nhiều người những ngày nghỉ, cuối tuần thường đưa trẻ đến cùng chơi, cùng học và có sự giúp đỡ dù rất nhỏ bé với những đứa trẻ cùng trang lứa tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi… Chính từ thực tế cuộc sống ấy, trẻ hiểu và thực hiện một cách tự nguyện việc chia sẻ, cảm thấu cùng người khác, tự làm giàu thêm tâm hồn tươi đẹp và nhân hậu của mình, hình thành một kỹ năng sống tích cực.