Nuôi khát vọng làm giàu từ cây chanh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bỏ công việc đáng mơ ước trong ngành dầu khí, chàng trai Đặng Văn Hóa đã trở về quê hương khởi nghiệp, xây dựng Hợp tác xã (HTX) chanh Nam Kim, đồng thời phát triển Dự án “Chanh Thiên Nhẫn – Hành trình theo dấu chân Người”. Dự án xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2020.

 
Nâng cao giá trị cây chanh
Sinh ra và lớn lên tại xã Nam Kim (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), tuổi thơ của Đặng Văn Hóa gắn liền với những đồi chanh bạt ngàn. Với 700ha chanh, vùng quê Nam Kim mỗi năm thu hoạch trên dưới 10.000 tấn quả. Mặc dù vậy, cây chanh cũng chỉ mới giúp người dân có thêm thu nhập, chưa trở thành cây có thể làm giàu.

Trước thực trạng này, Hóa luôn trăn trở tìm hướng nâng cao giá trị cây chanh quê hương mình. Để thực hiện dự định của mình, năm 2017, anh quyết định từ bỏ công việc ở một công ty dầu khí đã gắn bó 7 năm để về quê khởi nghiệp. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, cuối năm 2019, khi đã hội tụ cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Hóa bắt tay vào xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ chanh, đồng thời thành lập HTX chanh Nam Kim.

Hóa cho biết, Dự án chú trọng vào việc gia tăng giá trị quả chanh từ chế biến, nghiên cứu, tập trung sản xuất các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao. Quy trình sản xuất tận dụng hết 100% quả chanh và lá chanh để tạo được giá trị gia tăng cao cho việc chế biến. Chiết xuất các thành phần quý từ chanh như flavonoid polyphenol, salvestrol Q40, limonene… phục vụ cho ngành dược phẩm; sản xuất các sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phổ biến như nước cốt chanh, bột chanh, các loại hóa phẩm. Qua đó, giá trị quả chanh tăng trên 10 lần so với không chế biến.

Mang sản phẩm từ chanh theo dấu chân Người

Sau gần một năm sản xuất và đưa ra thị trường, hiện nay, HTX chanh Nam Kim có 2 dòng sản phẩm đưa ra thị trường, gồm chanh tươi và sản phẩm chế biến. Trong đó, sản phẩm chế biến gồm có nước rửa bát, dầu gội, muối tiêu chanh, bột chanh... Mặc dù bắt đầu hoạt động lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhưng HTX chanh Nam Kim đã phát triển được 250 đại lý bán hàng và 6 nhà phân phối. Trung bình mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường 11.000 sản phẩm các loại.

Với thông điệp “Chanh Thiên Nhẫn – Hành trình theo dấu chân Người”, mục tiêu mà Hóa và các thành viên HTX chanh Nam Kim hướng tới là đưa những sản phẩm từ chanh đến tất cả những quốc gia mà Bác Hồ đã từng đặt chân đến như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Để đạt được mục tiêu trên, HTX đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo hướng an toàn sinh học, tập trung nhập các loại máy móc như máy gọt vỏ, máy ép tách hạt… chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Thời điểm này HTX đã ký kết thành công một đơn hàng có giá trị 18 tỷ đồng xuất khẩu sang Nhật. “Việc xuất khẩu thành công sang Nhật giống như một tờ "giấy thông hành” chứng nhận về chất lượng cho các sản phẩm của chanh Thiên Nhẫn, bởi thị trường Nhật Bản vốn rất khắt khe về các tiêu chuẩn của sản phẩm” – anh Đặng Văn Hóa cho hay.

Để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, HTX chanh Nam Kim còn lồng ghép mô hình trồng chanh sinh thái gắn với du lịch cộng đồng xung quanh Hồ Thành và di tích lịch sử quốc gia “Mộ La sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Thành Lục Niên”; trở thành một điểm du lịch vệ tinh của huyện Nam Đàn.
Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, Đặng Văn Hóa cho biết trong năm 2020 sẽ hoàn thiện 4 dòng sản phẩm, tung ra 60.000 sản phẩm. Đến năm 2021, hoàn thiện thêm 2 sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tiến hành thử nghiệm chiết tách các dược chất từ chanh, bán ra ít nhất 400.000 sản phẩm, doanh thu dự kiến đạt 15 tỷ đồng. Tới năm 2023, khởi công xây dựng nhà máy giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng cùng với đối tác Công ty Sao Thái Dương, nâng công suất sản xuất 5.000 tấn chanh/năm, nâng doanh thu đạt 156 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần