Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP: Lợi đủ đường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP với nhiều ưu điểm vượt trội.

 Niềm vui được mùa cá của lão nông Nguyễn Duy Hùng, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Hiệu quả thiết thực
Ngày 29/10, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP năm 2019 trên địa bàn TP và trao Giấy chứng nhận Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 2 hộ Nguyễn Văn Lâm, xã Quang Lãng (Phú Xuyên) và Nguyễn Duy Hùng, xã Trung Tú (Ứng Hòa). Nhận Giấy chứng nhận, ông Hùng phấn khởi chia sẻ, dù có thâm niên hơn 20 năm nuôi cá thương phẩm, song chưa khi nào ông vơi nỗi lo dịch bệnh với ao nuôi cá hơn 1ha của gia đình. Tuy nhiên, khi tham gia mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP, cá lớn nhanh, ăn khỏe, kháng bệnh tốt mà người nuôi cũng bớt vất vả nhờ ao nuôi luôn sạch.
Trung tâm kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND các huyện tiếp tục mở rộng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP trong những năm tiếp theo. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc quy hoạch vùng nuôi, xây dựng nhãn hiệu cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản VietGAP.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương
Chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Lâm, ở xã Quang Lãng cũng cho biết, nhờ sử dụng men ủ tỏi cho cá ăn mà đàn cá luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Ưu việt hơn cả là quá trình nuôi hoàn toàn không phải sử dụng đến kháng sinh phòng trị bệnh cho cá nên tiết giảm được chi phí đáng kể. Hiện ao nuôi thủy sản của gia đình anh Lâm có quy mô nuôi tới gần 4ha, sản lượng 80 tấn cá/năm.
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha tại 5 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên. Tham gia mô hình, các hộ nuôi được Trung tâm hỗ trợ 50% con giống là cá chép V1 (kích cỡ từ 7 – 9cm/con); 50% chế phẩm sinh học Aqua clear – S dùng để xử lý môi trường định kỳ trong ao và 50% thức ăn, chế phẩm sinh học. Đến nay, sau 5 tháng nuôi, đàn cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, không xảy ra dịch bệnh. Khảo sát thực tế cho thấy, cá đạt trọng lượng trung bình 1,2kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất đạt 14 tấn/ha. Ước tính đến khi thu hoạch, cá đạt 1,5kg/con, năng suất đạt trên 18 tấn/ha, cho lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha, cao hơn 15% so với ao nuôi cá thông thường.
Cần được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 23.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 4.300ha diện tích nuôi tập trung, sản lượng đạt 78.482 tấn. Những năm gần đây, tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn TP, người nuôi đã thay đổi sang phương thức thâm canh có áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong các ao nuôi vẫn xảy ra tràn lan, dẫn đến tồn dư trong các sản phẩm thủy sản. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP chú trọng việc xử lý môi trường, phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học. Qua đó, nâng cao ý thức của người nuôi trong việc ghi chép quá trình sản xuất, để sản phẩm cá khi xuất bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và giá bán cũng sẽ ổn định hơn.
Lợi ích mà mô hình nuôi thủy sản VietGAP đã rõ, song để nhân rộng mô hình trong thời gian tới được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi, hiện nay, cứ đến mùa thu hoạch tình trạng thương lái ép giá lại diễn ra khiến người nuôi chịu nhiều thiệt thòi. Nguyên nhân do sản lượng lớn nhưng chưa có thương hiệu, khó cạnh tranh. Vì vậy, người nuôi thủy sản rất cần được các sở, ban ngành TP siết chặt công tác quản lý vệ sinh ATTP; hỗ trợ xây dựng kênh tiêu thụ chuyên biệt để luôn đảm bảo sản phẩm thủy sản an toàn có giá bán ổn định.