Nuôi trồng thủy sản gặp khó vì ô nhiễm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay đã có gần 90.000ha tôm nuôi bị chết, chủ yếu do ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tình trạng này "nóng" tới mức Tổng cục Thủy sản vừa phải trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cấm 20 loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Cypermethrin trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Tôm, cá ngộ độc do thuốc BVTV

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 11, diện tích tôm bị chết của cả nước lên tới trên 85.000ha, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và điều tra dịch tễ học của Cục Thú y cho thấy, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do ngộ độc. Phần lớn hộ bị thiệt hại thường dùng sản phẩm diệt tạp có thành phần nông dược là Cypermethrine, thậm chí một số hộ sử dụng trực tiếp thuốc BVTV như Padan, Dexit, Visher… Không chỉ tôm, các loại cá nuôi khác cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cypermethrine là chất lâu nay chỉ dùng trong thuốc BVTV nhưng vài năm nay người dân dùng để diệt giáp xác, cải tạo ao nuôi. Đây là chất rất độc, chỉ cần ở nồng độ 0,05ppm (0,05 phần tỉ) cũng đủ để tôm chết 50%. Trong khi đó, người nuôi tôm sử dụng nồng độ đến 2 phần triệu. Nguy hiểm hơn là khi sử dụng chất này lâu ngày, chúng sẽ tích lũy nồng độ cao do bị giữ chặt bởi những hạt keo sắt trong đất, nước và chỉ bị phân hủy dưới ánh sáng và có độ PH từ 7 - 9. Thực tế có những vùng đào ao nuôi mới nhưng tôm cá vẫn bị ngộ độc. Điều đó cho thấy, chính đất cũng đang bị ô nhiễm thuốc BVTV do tồn dư từ trồng lúa, rau màu…

Điều đáng lo ngại là hoạt lực của Cypermethrin có thể tồn tại trong môi trường nước từ 42 - 72 ngày nhưng các công ty, cửa hàng bán thuốc thú y thủy sản cho rằng chỉ 12 - 20 ngày sau khi xử lý ở ao nuôi là có thể thả nuôi tôm. Do đó, nhiều người NTTS không biết đã sử dụng hoạt chất trên không đúng quy định.

Quản lý chặt đầu vào        
          

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với kim ngạch trên 5 tỷ USD/năm. Trong 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,6 tỷ USD. Chính vì vậy, việc ngăn chặn, giải quyết ô nhiễm thuốc BVTV trong NTTS là một yêu cầu bức thiết hiện nay để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Theo các chuyên gia, cùng với việc tiến hành các biện pháp khắc phục, loại bỏ thuốc BVTV trong môi trường đất, nước, ao nuôi thì cần phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc ngay từ đầu vào. Chính vì vậy, ngày 6/12, Tổng cục Thủy sản đã trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT văn bản đề nghị cấm 20 loại thuốc BVTV có chứa Cypermethrin trong NTTS như: Sherpa, Cymbush, Peran, Cyperan, Barricade, Ripcord, Ammo, Cypermethrine, Asymmethrin…

 Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cục đang tiến hành sửa đổi Thông tư 38, trong đó có bổ sung việc thành lập hội đồng khoa học để xem xét loại bỏ những loại thuốc BVTV không phù hợp với sản xuất. "Nếu thấy có loại thuốc BVTV nào nguy hiểm, Cục sẽ đề xuất Bộ thành lập Hội đồng khoa học để xem xét và đề nghị đưa ra khỏi danh mục, cấm sản xuất, lưu hành trong nước. Có như vậy mới tránh được tình trạng sử dụng tràn lan các loại thuốc độc hại này".

Tại buổi làm việc với Cục BVTV mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã chỉ đạo Cục BVTV phối hợp cùng với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y trong NTTS. Trên cơ sở đó lập bản đồ nguy cơ ô nhiễm trên cả nước. Nếu vùng nào có ô nhiễm thì phải thông báo và có hướng dẫn xử lý kịp thời. Dự kiến, ngày 12/12 tới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sẽ bắt đầu triển khai công tác này.

 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần