Ô nhiễm môi trường chợ dân sinh: Người dân cùng chung tay mới hiệu quả

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về ô nhiễm môi trường tại các chợ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, phải huy động được sự đồng lòng, chung tay của người dân như chống dịch Covid-19 thì mới hiệu quả.

 PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội 
Bà đánh giá thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường tại chợ hiện nay trên địa bàn TP, đặc biệt là chợ dân sinh?
- Nếu so sánh với 5 năm trở về trước, rõ ràng môi trường ở các chợ trên địa bàn Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, nhờ có sự đầu tư nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật và sự phân cấp trong quản lý chợ rõ người, rõ việc. Tuy nhiên, đối với chợ dân sinh hay chợ cóc, chợ tạm, khuôn viên phía ngoài khu chợ chính thống… những hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân buôn bán ở đây vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo bà, sự tồn tại này là do đâu?
- Hiện tại các chợ đã được phân hạng và phân cấp, có Ban quản lý chợ trực thuộc UBND xã/phường,quận/huyện hoặc tổ quản lý chợ thuộc DN, hợp tác xã kinh doanh chợ. Đối với chợ dân sinh hay chợ cóc, chợ tạm là do cấp phường/xã quản lý.
Để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở những loại chợ này có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do chính quyền sở tại chưa cương quyết xử lý. Có tuyên truyền, có vận động nhưng đã thực sự thuyết phục người dân chưa? Có chế tài nhưng đã áp nghiêm chưa?
Nghị định 155/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính rất cao đối với các hành vi vứt rác thải, đổ nước thải ra môi trường. Đã có bao nhiêu trường hợp đã bị xử phạt trong khi có cơ man hành vi vi phạm? Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Vậy, bà có đề xuất giải pháp gì để giải quyết được tận gốc vấn đề?
- Tôi cho rằng, cái gì sinh ra từ dân thì giải pháp cũng phải bắt đầu từ dân. Vì vậy, chính quyền sở tại cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và trao “sứ mệnh” này cho các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ - đối tượng nội chợ chính trong gia đình.
Tuyên truyền phải thấm vào lòng dân, để người dân hiểu được, hành vi gây ô nhiễm môi trường ở chợ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người bán hàng – vì có thể họ ăn uống ngay tại đấy, hít thở không khí ô nhiễm ấy mà cả những người dân sống khu vực đó, những người mua, ăn thực phẩm ở đó.
Đồng thời, cần xử trường hợp vi phạm mức cao nhất để làm gương. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của người dân chung tay bảo vệ môi trường. Người dân góp sức nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho chợ, người dân nhắc nhở nhau, phát giác hành vi vi phạm, giống như công cuộc chống đại dịch Covid-19, mới thành công.
Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần