Ô nhiễm môi trường làng nghề: Tháo gỡ từ thiếu mặt bằng sản xuất

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn luôn là bài toán nan giải trong nhiều năm qua, cùng với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, thiếu mặt bằng, phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.

TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, với mong muốn giữ gìn, phát triển các làng nghề đi đôi với bảo vệ môi trường, nhiều năm nay Hà Nội đã quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các hộ sản xuất ra ngoài khu dân cư.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều làng nghề vẫn thiếu mặt bằng sản xuất, nằm trong khu dân cư đông đúc, nhiều hộ kinh doanh phải tận dụng nơi ở vừa làm trụ sở giao dịch, vừa là cơ sở sản xuất, giới thiệu sản phẩm… Với không gian sản xuất chật hẹp đang khiến các cơ sở không thể phát triển, nhất là gây ô nhiễm môi trường sống cho người dân xung quanh, tại nhiều nơi chất thải không được thu gom, xử lý theo hệ thống riêng biệt mà chủ yếu đốt thủ công để tiêu hủy, 
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận thực tế về tình trạng ô nhiễm môi trường do thiếu mặt bằng sản xuất tại một số làng nghề ở huyện Thường Tín, ngày 6 và 7/1:
 Làng nghề mộc xã Vạn Điểm đã và đang phát huy thế mạnh nghề truyền thống kết công nghệ hiện đại, với nhiều sản phẩm đa dạng phong phú. Tuy nhiên, làng nghề vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Hầu hết người dân đều phải tận dụng không gian sinh hoạt làm nơi sản xuất. (Ảnh: Hà Ánh)
 Anh Nguyễn Văn Quyết, chủ một cơ sở sản xuất và gia công đồ gỗ tại xã Vạn Điểm cho biết, ngôi nhà gia đình anh đang ở cũng là nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm. Mặc dù rất ý thức về việc giữ gìn môi trường nhưng không thể xử lý triệt để tiếng ồn, bụi, mùi hóa chât. Tại đây, không ít xưởng sản xuất phải mang vật liệu ra đường để đánh ráp, cưa, đục, gây ô nhiễm làng nghề. (Ảnh: Hà Ánh)
 Bên cạnh đó, nhiều người dân, hộ kinh doanh chưa có ý thức, xả rác sau khi sản xuất, rác sinh hoạt ra ngay ven đường. (Ảnh: Hà Ánh)
 Ngay trước mặt các cơ sở sản xuất tại làng nghề mộc Vạn Điểm là mương nước bốc mùi hôi thối, đen kịt với đủ các loại rác. (Ảnh: Hà Ánh)
 Tại xã Hòa Bình, nơi có nghề chế tác các sản phẩm từ xương và sừng, lông động vật đã tồn tại lâu đời, bầu không khí lúc nào cũng hôi nồng nặc và bụi do việc chế tác từ các xưởng sản xuất gây ra.

 Tại một số cơ sở, chất thải được chất thành đống lớn nhỏ trong nhà, không được thu gom, xử lý tập trung mà đốt thủ công để tiêu hủy. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại làng nghề mong muốn được tạo điều kiện ra khu sản xuất tập trung, để giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường. (Ảnh: Hà Ánh)

 Không gian sản xuất chật hẹp nằm trong khu dân cư đông đúc của một hộ sản xuất tại làng nghề thôn Thùy Ứng, xã Hòa Bình. (Ảnh: Hà Ánh)

Rác thải từ các làng nghề chăn bông Trát Cầu (xã Tiền Phong), làng nghề lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình), điêu khắc Nhân Hiền... được đốt ngay bên hành lang sông Nhuệ. (Ảnh: Hà Ánh)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần