Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô nhiễm tiếng ồn từ nhà văn hóa

Quang Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ dân phố của Hà Nội đều phát huy hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của không ít NVH cũng gây ra những bất cập, điển hình là ô nhiễm âm thanh.

Một đám cưới tổ chức ở nhà văn hóa. Ảnh: Minh Quang
Lợi thì có lợi
Bà Nguyễn Thị N., phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm cho biết, cách đây vài chục năm, cả làng Phú Mỹ chỉ có một NVH. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng như vui chơi giải trí, tập văn nghệ, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước... Từ khi Phú Mỹ thành phường thì hầu như tổ dân phố nào cũng được xây dựng một NVH. Nhờ đó, người dân đã được hưởng lợi rất nhiều như có thể tổ chức việc cưới, tập thể dục, chơi thể thao... Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, NVH cũng mang lại cho cư dân sống gần đó sự phiền phức. “Mỗi khi tổ chức đám cưới ở NVH, gia chủ thường mở nhạc rất to. Tuy đến 10 giờ đêm là họ tắt nhạc nhưng vì NVH quá sát nhà chúng tôi nên vẫn phiền phức, nhất là với những người già, người ốm yếu hay phụ nữ sau sinh” - bà Nguyễn Thị N. chia sẻ.
Hà Nội hiện có 112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao, 2.152/2.528 thôn làng có NVH và 1.727/5.452 tổ dân phố có NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng.
Chung quan điểm, chị Nguyễn Thanh H., ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho rằng, tiếng ồn phát ra từ NVH đang là "nỗi ám ảnh" với cư dân sống gần đó. Bởi lẽ theo Thông tư Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ TN&MT, giới hạn tối đa về tiếng ồn cho phép ở khu vực thông thường từ 6 - 21 giờ là 70dBA, từ 21 - 6 giờ sáng là 55dBA, thế nhưng độ ồn ở khu vực NVH thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép. “Trẻ em sống gần NVH rất khổ, chẳng mấy khi được học tập hay nghỉ ngơi yên tĩnh. Bởi lẽ ngày nào các cháu cũng phải nghe tiếng nhạc tập aerobic từ 5 rưỡi sáng. Buổi tối, hôm thì nghe ngâm thơ, hát karaoke đám cưới, hôm thì biểu diễn văn nghệ hay giới thiệu sản phẩm... Nhiều khi để chào mừng sự kiện quan trọng nào đấy, hơn 10 rưỡi đêm nhưng đội văn nghệ của tổ dân phố vẫn tập” - chị Nguyễn Thanh H. cho biết.
Làm thế nào để giảm thiểu tiếng ồn?
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, việc một số NVH gây ô nhiễm âm thanh là một thực tế đáng buồn hiện nay. Điều này có nguyên nhân từ việc công năng của các NVH đang bị khai thác quá triệt để. “Ở các quốc gia tiên tiến khác, họ có rất nhiều không gian có tính chất chuyên biệt như CLB thể dục thể thao, không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa... phục vụ người dân. Còn ở nước ta, đặc biệt là ở những nơi kinh tế còn hạn chế thì NVH gánh tất cả các chức năng ấy. Đã thế, một phần không nhỏ NVH lại đang trở thành công cụ kiếm tiền cho những người quản lý như trở thành quán cà phê, CLB Gym, bãi trông giữ xe... nên ô nhiễm âm thanh là điều tất yếu” - TS Trịnh Hòa Bình khẳng định.
Có một thực tế là, người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng chưa có ý thức về việc tránh làm phiền người khác. “Tại Nhật Bản, việc tránh làm phiền người khác đã trở thành văn hóa, chính vì vậy, người dân thậm chí không gọi điện thoại ở nơi công cộng. Thế nhưng, ở Việt Nam thì gây ồn ào là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bằng chứng là người ta có thể nghe thấy tiếng nhạc, tiếng chuông điện thoại, lời thoại phim... ở bất cứ chỗ nào. Thế nên, các đám cưới, các CLB Gym... ở NVH mở nhạc ồn ã là hoàn toàn dễ hiểu” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.
NVH là một thiết chế cần thiết bởi nó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ô nhiễm tiếng ồn từ các NVH chỉ có thể khắc phục được khi NVH được trả lại đúng chức năng của nó và ý thức của những người quản lý cũng như thụ hưởng lợi ích từ NVH được nâng cao. Mà điều này thì không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều.