Ở nơi khởi đầu cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xem hậu phương của cách mạng, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo Đảng, 18 thôn vườn trầu ngày nay một phần thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đang dần thay đổi diện mạo.

Hậu cứ cách mạng

18 thôn vườn trầu đã được chọn làm hậu cứ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (năm 1930). Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... từng sống và hoạt động ở đây. Tháng 3/1937, địa danh này được Trung ương Ðảng chọn để tổ chức hội nghị mở rộng nhằm kiểm điểm tình hình, bàn biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào cách mạng tại ấp Tiền Lân.
Tháng 3/1938, Trung ương Ðảng họp hội nghị toàn thể kiểm điểm ưu khuyết điểm về các mặt công tác: Xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận và đề ra những chủ trương cụ thể nhằm phát huy thắng lợi đã giành được. Từ 6 - 8/11/1939, Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại 18 thôn vườn trầu... Và, tại đây Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ chọn làm điểm khởi đầu cho cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Cư xá Bà Điểm. 
Đó là chiều tối ngày 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân 18 thôn vườn trầu đứng lên khởi nghĩa. Cả một vùng nông thôn Nam bộ rung chuyển trước sức tiến công của quần chúng cách mạng. Người dân 18 thôn vườn trầu với gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại vì điều kiện chưa chín muồi. Thực dân Pháp đã dựng trường bắn ngay ngã ba Giồng, và những người con ưu tú của dân tộc, như Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã ngã xuống. Rồi những ngày Thu năm 1945, hòa vào dòng thác cách mạng, một lần nữa Nhân dân 18 thôn vườn trầu lại nhất tề đứng dậy giành lấy chính quyền.

100% trẻ được tới trường

Trải qua 73 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, hôm nay 18 thôn vườn trầu đang thay da đổi thịt. Chỉ những ngõ hẻm, đường liên ấp đã được bê tông hóa hoặc trải nhựa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng (72 tuổi, sống tại quận 12) nói: 18 thôn vườn trầu nằm ở 3 địa giới hành chính là huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12, trong đó khoảng 20% diện tích 18 thôn nằm ở xã Bà Điểm. Khoảng 15 năm trở lại đây, xã Bà Điểm và những khu vực lân cận phát triển mạnh. Đô thị hóa nhanh đến mức nhiều hộ bỏ hẳn các vườn trầu để xây nhà trọ cho thuê.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm cho biết: “Trước kia Bà Điểm là xã thuần nông, nhưng hiện xã chỉ còn 5 hộ trồng trầu trên diện tích 4.800m2, ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm 0,6%. Thay vào đó là các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 23,7%; thương mại - dịch vụ chiếm 75,7%. Trên địa bàn hiện có 1.642 DN, 2 HTX, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Tuy xã vẫn còn 70 hộ nghèo và 74 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% so với tổng số hộ dân) nhưng không có trẻ thất học, tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt 100%, lớp 6 đạt 100%”.

Bà Linh cho biết, từ năm 2016 đến nay, xã đã vận động người dân lắp đặt hệ thống thoát nước, bê tông 54 tuyến đường với tổng chiều dài 7.595m, tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp trên 8,8 tỷ đồng. Xã đang phấn đấu đến năm 2020, 100% các tuyến đường bê tông hóa kết hợp hệ thống thoát nước. Để có những đổi thay đó, Đảng ủy và chính quyền luôn bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn; Nghị quyết của Đảng bộ xã Bà Điểm. Ví như trong xây dựng đời sống văn hóa, Đảng ủy xã đề ra nghị quyết về xây dựng các tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn xã, đến nay có 52 tuyến đường đã được đăng ký (2.666 hộ tham gia thực hiện). Nhưng hơn hết vẫn là sự đồng lòng chung sức của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần