“Ốc đảo” Minh Châu thấp thỏm mùa mưa bão

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thêm một mùa mưa bão đầy lo lắng của 42 hộ dân khu dân cư số 5, xã Minh Châu, huyện Ba Vì khi hàng trăm mét đất canh tác đang hàng ngày bị “hà bá” rình rập nuốt chửng.

Ông Nguyễn Công Sơn, khu 5, Minh Châu lo lắng trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng
Minh Châu là xã có địa hình khá đặc biệt, cả xã nằm hoàn toàn ngoài bãi giữa sông Hồng. Đặc điểm địa lý này chính là thách thức với địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Phương tiện duy nhất đến với xã vào mùa mưa chỉ có thuyền, đò. Chính vì cách trở giao thông mà việc giao thương trao đổi hàng hóa của người dân gặp nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao. Ngoài ra, người dân nơi đây luôn phải sống trong tâm lý bất an trước nguy cơ sạt lở bờ sông.
Mặc dù suốt chiều dài khoảng gần 1km bờ sông, bà con khu dân cư số 5 đã trồng những dãy tre giữ đất, giữ làng, nhưng trước sự khó lường của thiên tai thì việc sạt lở vẫn diễn ra hàng ngày. Khu vực bị sạt lở kéo dài hơn 500m, lấn sâu vào bờ tới gần 50m. Vị trí sạt lở chỉ cách đường bê tông liên thôn 2 – 3m. Ông Nguyễn Danh Tần sống ngay cạnh vị trí sạt lở cho biết: “Đất ở khu vực này toàn phù sa, có kết cấu không bền vững. Vì vậy, năm nào nước sông cũng cuốn đi cả mảng đất lớn”.

Cách đó không xa là gia đình ông Nguyễn Công Sơn hiện cũng đang bị “hà bá” rình rập nuốt chửng mấy sào vườn cùng dãy chuồng chăn nuôi. Chỉ tay về phía rặng tre nước đã mấp mé tới chân, ông Sơn bảo: “Hiện giờ nước to thế này không lo ngại lắm nhưng khi nước rút thì kiểu gì cũng xảy ra sạt lở. Nếu không được xử lý kịp thời thì chỉ trong năm nay, những bụi tre này sẽ theo dòng nước ra đi”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng, tình trạng sạt lở đã diễn ra ở nơi đây nhiều năm nay. Năm 2003, trên địa bàn xã đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến một số hộ dân ở xã phải chuyển vào xã Yên Bài, nông trường Sông Đà thuộc thị trấn Tây Đằng sinh sống. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Minh Châu đã mất tới hàng chục hecta đất nông nghiệp của 205 hộ dân.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2009, xã đã được đầu tư làm kè hộ chân 7km và hơn 5km vào các năm tiếp theo. Năm 2017, xã cũng đã huy động Nhân dân làm 5.000 bao cát đưa xuống những điểm sạt lở, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi hàng năm lại xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới. Hiện trên tuyến đã xuất hiện thêm 3 vị trí sạt lở mới, 1 vị trí phát triển mở rộng mức báo động. Cụ thể, vị trí số 1 sạt lở với chiều dài 50m, đến nay phát triển thêm 10m, chiều rộng sạt 10m, sạt sâu trung bình 3m; vị trí 2, chiều dài sạt 50m, rộng trung bình 7m, sâu 2m; vị trí 3 sạt dài 45m, rộng 5m, sâu 1m... Đặc biệt, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 các vị trí này càng sạt lở nghiêm trọng hơn.

Trước tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng như hiện nay, người dân xã Minh Châu mong mỏi được đầu tư làm kè hộ chân, để không còn phải thấp thỏm mỗi mùa mưa bão về.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần