OCB và phương châm “cứu người, cứu mình”

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch nhưng thời gian qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vẫn kiểm soát tốt các chi phí hoạt động, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

 Giao dịch tại OCB.

Gỡ khó cho khách hàng - cứu người, cứu mình

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp đồng hành cùng DN, “cứu người” để “cứu mình” đã được OCB đưa ra. Ngoài ra, cách "sống chung" với dịch bệnh cũng được ngân hàng OCB thiết kế để vượt qua bão dịch bệnh.

OCB là một trong những ngân hàng tiên phong, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe. Theo đó, nhiều giải pháp ưu đãi đã được OCB nhanh chóng triển khai như: Giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường; các DN nhận ưu đãi hoạt động trong một số lĩnh vực thiết yếu như sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, dược phẩm và dịch vụ y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, thi công dân dụng, trường học, giáo dục... Đặc biệt, gói vay tín chấp với lãi suất từ 1%/tháng dành cho giáo viên, cán bộ nhân viên khối trường học, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch Covid-19 là một trong những chính sách khá thiết thực của OCB được cộng đồng đánh giá cao.

OCB còn vừa hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vừa “thiết kế” ra các phương thức giao dịch phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. OCB còn thực hiện chương trình miễn phí các giao dịch và cộng thêm lãi suất tiết kiệm online đến 0,1%/ năm so với lãi suất tại.

Chương trình này không chỉ giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán mà còn nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch, đồng thời giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí vận hành, đưa chi phí hoạt động (CIR) hợp nhất trong 6 tháng đầu năm giảm từ mức 43% của cùng kỳ năm trước xuống còn 29,57% ở kỳ này, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chi phí hoạt động dưới 37% mà ngân hàng đã đề ra.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN vừa và nhỏ, OCB đã cho ra mắt thêm kênh giao dịch trực tuyến hoàn toàn mới với tên gọi OCB SME E-Lending. Theo đó, DN có thể biết trước khả năng được ngân hàng cấp vốn chính xác đến 80% thông qua việc nhập đầy đủ thông tin theo form mẫu.

Đây là điểm khác biệt của E-Lending so với kênh giao dịch truyền thống là DN phải đến ngân hàng bổ sung hồ sơ, hoàn tất thủ tục mà vẫn chưa biết mình có đủ điều kiện được cấp vốn không. Ngoài ra, khách hàng đăng ký vay vốn qua E-Lending được giảm ngay 1%/năm lãi suất cho vay và giảm 10% phí dịch vụ thanh toán quốc tế, bảo lãnh cũng như cam kết cho vay có điều kiện trong vòng 1 năm kể từ ngày đăng ký.

Đẩy mạnh mô hình ngân hàng số

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của OCB tăng 5% so với đầu năm, ghi nhận 124.397 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9%, đạt gần 77.314 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng cũng tăng 9%, lên mức hơn 75.365 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay được kiểm soát dưới 2%, đảm bảo quy định được Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của OCB đạt hơn 1.864 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 3.575 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 22%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 41%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 96%... Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 9,66% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA đạt 1,19%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu khách hàng và kỳ vọng của cổ đông, OCB sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như tiếp tục kiểm soát chi phí hoạt động dưới 37%; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu phân bổ tính dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các gói lãi suất ưu đãi - kỳ hạn phù hợp với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên…

Đặc biệt, để có nguồn vốn giá rẻ cho khách hàng, ngân hàng chú trọng đẩy mạnh huy động từ dân cư bên cạnh đó là các tổ chức kinh tế, định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Đầu tháng 7 vừa qua, OCB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)- thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã ký kết hợp đồng với gói vay 40 triệu USD, nâng tổng hạn mức tín dụng IFC cấp cho OCB lên 180 triệu USD. Khoản vay này nhằm giúp OCB tăng cường thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, ưu tiên là DN vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tương tự nhiều DN khác, OCB đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình ngân hàng số trong hệ sinh thái mở thông qua nền tảng Open API. Ngân hàng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới nhiều tính năng, tiện ích khác nhau trên ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI, thông qua đó khách hàng ko chỉ sử dụng những dịch vụ thuần túy của ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm mà còn trải nghiệm thêm những sản phẩm dịch vụ từ đối tác liên kết như bảo hiểm, đầu tư…

Cuối tháng 4/2020, đại hội cổ đông đã phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ để tăng vốn điều lệ cho OCB thêm gần 1.185 tỷ đồng, trong đó, phê duyệt phát hành gần 868,7 tỷ đồng cho Ngân hàng Aozora. Các thủ tục tăng vốn điều lệ đang trong giai đoạn hoàn tất với cơ quan Nhà nước và số vốn này sẽ được OCB đầu tư cho công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, thiết bị cũng như bổ sung nguồn vốn kinh doanh và cho vay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần