Chuyên gia kinh tế: Ổn định về chính sách tạo nền tảng thu hút FDI

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và biến động khó lường, sự ổn định và nhất quán về môi trường chính sách đang là mối quan tâm hàng đầu đối với các DN khi quyết định đầu tư nước ngoài.

Ngày 7/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã tổ chức Hội thảo về “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định nguồn vốn FDI có đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam, khi cứ 10 đồng xuất khẩu có 7 đồng đóng góp từ FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với chính sách thuế ổn định, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi.
Đến nay, pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi lớn, có nhiều cam kết quan trọng. Ví dụ như Điều 13 Luật đầu tư 2014 vừa qua đã ghi rõ Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, trường hợp thay đổi chính sách theo hướng không có lợi bằng thì nhà đầu tư được đảm bảo áp dụng theo quy định cũ. Đây là cam kết quan trọng đối với nhà đầu tư. Theo đó, sự ổn định nhất quán về chính sách là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực so với thời điểm bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 10 năm trước, khi việc tham vấn DN vẫn còn khá hiếm hoi, nhưng nay điều này đã được tiến hành khá rộng rãi và thường xuyên. Ông Đậu Anh Tuấn nhận định Hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra kiến nghị giúp Chính phủ hoàn thiện môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và công bằng.
Đồng tình với ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi luật và chính sách theo nguyên tắc công bằng và bình đẳng, đồng thời, những thay đổi về chính sách có thể khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư. Ông Sitkoff khẳng định các thành viên Amcham cam kết góp phần cải thiện các điều kiện kinh doanh để đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của Việt Nam.

Hiện nay, thương mại và đầu tư song phương là nền tảng của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, khi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội. Các DN Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đã đầu tư hàng tỷ đô la, góp phần đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những việc làm có chất lượng cho người lao động Việt Nam, và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.
Nhận định về quá trình thay đổi chính sách và luật pháp đầu tư FDI, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFI) nhận định, kể từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 165 tỷ USD vốn thực hiện, đóng góp 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP, trên 55% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2017.
Theo đó, GS.TS Nguyễn Mại cho rằng những lần thay đổi chính sách và luật pháp trong hơn 30 năm qua là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn, tạo điều kiện thực hiện bình đẳng về luật pháp giữa các DN trong nước và FDI.
Chia sẻ với ý kiến của GS.TS Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế cao cấp, bà Phạm Chi Lan nhận định một môi trường kinh doanh tốt sẽ phục vụ số đông DN không phân biệt trong nước và nước ngoài. Những năm gần đây, môi trường kinh doanh đã được cải thiện tương đối rõ, khi khung chính sách được cụ thể hoá tương đối nhất quán. Tuy nhiên, lực cản chính hiện nay là ở bộ máy nhà nước trong việc thực thi các quy định. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực từ DN, Chính phủ và thể chế cần tiếp tục tăng cường cải thiện năng lực cạnh tranh.
Nhìn chung, đa phần các chuyên gia kinh tế, đại diện DN tại Hội thảo đều tán thành ý kiến cho rằng Việt Nam cần duy trì một môi trường pháp lý ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh để trở thành một điểm đến cạnh tranh và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây chính là những yếu tố quan trọng nhằm mang lại lợi ích cho các DN Việt nam, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của nhiều DNNVV, từ đó đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.