Từng bước xây dựng lớp học thông minh
Mới đây, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến một số môn học để phòng dịch Covid-19. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Lê Ngọc Quang, việc triển khai mô hình này chính là thực hiện công tác đổi mới hình thức dạy, học, xây dựng lớp học thông minh, từng bước tiến tới mô hình trường học điện tử trong kỷ nguyên số hóa trong giáo dục, nhằm hỗ trợ học sinh Hà Nội ôn tập hiệu quả các môn học khối 8, 9 năm học 2019 - 2020.
Việc ôn tập hay học trực tuyến là thể hiện tính chủ động và không liên quan dịch bệnh. Dự kiến, Sở GD&ĐT TP sẽ triển khai đại trà việc học tập trực tuyến khối 11 và 12 trên toàn TP.Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng |
Theo đó, Sở GD&ĐT TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm giải pháp công nghệ giáo dục thuộc Cục Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (Hanoi Study) đặt tại địa chỉ http://study.edu.vn. Sau khi thử nghiệm với 15 đơn vị trường THCS, Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai thử nghiệm đến tất cả trường THCS trên toàn TP, cho phép học sinh khối 8, 9 có thể tham gia trải nghiệm hệ thống ôn luyện trực tuyến. Triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, các trường THCS khởi tạo tài khoản cho học sinh đang học tại trường và chịu trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản ôn tập của học sinh. Đồng thời tổ chức cho học sinh ôn tập kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trên hệ thống bằng máy tính để bàn hoặc Laptop, Ipad, điện thoại thông minh có kết nối internet; xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập trực tuyến gồm 7 môn học dành cho khối lớp 8 và lớp 9 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh). Mỗi môn bao gồm các bài ôn tập kiến thức học kỳ 1, học kỳ 2 và ôn tập chung.
Giáo viên không đăng nhập được để thi thử
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Phan Thị Chân Lý – Hiệu trưởng trường THCS Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết, việc Sở GD&ĐT chỉ đạo việc ôn tập cho khối 8, 9 qua hệ thống phần mềm trực tuyến cho thấy nỗ lực của ngành giáo dục, đặc biệt với giai đoạn chống dịch như hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Lý, phần mềm ôn tập, học trực tuyến 7 môn học vẫn còn nhiều trục trặc. “Tài khoản của giáo viên không truy cập được để thi thử đề. Nếu muốn vào thì phải mượn tài khoản của học sinh. Mà giáo viên không đăng nhập được có nghĩa cũng không đánh giá được trình độ, mức tương ứng của môn học, đề thi với các em học sinh” – bà Lý nói thêm.
Theo phân tích của Hiệu trưởng trường THCS Trung Phụng, nội dung ôn, học của phần mềm còn những điểm chưa hợp lý. Đơn cử, một số môn chia các tiết bài hay dung lượng chưa phù hợp với thời điểm của học kỳ. Nếu học, dạy tiếp theo chương trình học kỳ 1 thì hơi cũ, còn áp dụng các nội dung ở học kỳ 2 thì chưa đáp ứng được theo chương trình.
Đánh giá về mô hình ôn tập, học trực tuyến khối 8, 9, bà Lê Thị Thúy Nga – Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Với mô hình học trực tuyến hiện này, giả thiết một lớp học sĩ số thấp thì không sao, giáo viên có thể quan sát được các học sinh nhưng nếu triển khai đại trà như 50 học sinh/lớp, việc kiểm soát rất khó khăn” – bà Nga cho biết thêm.
Đánh giá về mô hình đào tạo mới, theo ông Nguyễn Quý Trang – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, việc cho giáo viên, học sinh làm quen dần với việc dạy và học trực tuyến là rất bổ ích. Tuy nhiên, nếu như học trực tuyến, với tình hình dịch bệnh hiện tại, việc bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên được xem xét đầu tiên và đây là một lợi thế. Nhưng nếu trong điều kiện thông thường, việc học sinh đến trường sẽ tăng tính tương tác với các bạn học và giáo viên, qua đó, việc tiếp thu kiến thức sẽ thuận lợi hơn.