Ông chủ Lầu Năm Góc chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một tuần, hai giới chức hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ phản đối hành vi gây bất ổn của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 4/8 khẳng định, trong bối cảnh thương chiến giữa hai nước leo thang trước đòn thuế mới của Washington.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo 

Chia sẻ với báo giới ở Sydney, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định: “Chúng tôi tin chắc không một quốc gia nào có thể hoặc nên chi phối khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ cùng các đồng minh, đối tác đang phối hợp để đáp ứng các nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực này”.

Theo Reuters, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên, đang gây lo ngại trong khu vực. Theo đó, Mỹ đang tìm kiếm các biện pháp thách thức những yêu sách hàng hải của Trung Quốc, đồng thời xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia nhằm kiềm chế Bắc Kinh.

Theo tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper, "chúng tôi cũng kiên quyết chống lại một mô hình đáng lo ngại với những hành vi hung hăng, gây bất ổn của Trung Quốc. Điều này bao gồm hành vi vũ khí hóa cộng đồng toàn cầu, sử dụng nền kinh tế săn mồi và các khoản nợ để đánh đổi các thỏa thuận chủ quyền…”

Trong tuần qua, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/8 cũng đưa ra tuyên bố phản ứng trước hành vi “không đẹp kéo dài hàng thập kỷ” của Trung Quốc gây cản trở thương mại tự do. 

Trước đó, phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị hôm 1/8, ông Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc có hành vi “cưỡng bức” các nước láng giềng Đông Nam Á trong các tranh chấp ở Biển Đông và việc xây dựng đập trên sông Mekong.

Tình hình Biển Đông gần đây căng thẳng khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần