Ông Miura ra đi, sự rắc rối ở lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam thường ngầm mặc định những giải đấu lớn là một chiến trường. Ở đó, đội tuyển chiến đấu với giới hạn bản thân nhằm tìm kiếm vinh quang.

Nhưng, ở một góc độ nào đó, người ta khéo sử dụng sự thành bại của đội bóng làm cái cớ luận tội nhau.

Gần như chắc chắn ông Miura sẽ ra đi sau khi kết thúc hợp đồng. Nhà cầm quân này dù được đánh giá rất cao khi đưa bóng đá Việt Nam trở lại với chu kỳ có huy chương sau gần một thập kỷ bết bát nhưng vẫn hứng chịu quá nhiều chỉ trích. Hay nói đúng hơn, ông chính là ranh giới để các luồng quan điểm, nhóm quyền lợi tấn công vào nhằm để khẳng định sự ưu việt của mình.
Một pha tranh bóng trong trận U23 Việt Nam gặp U23 UAE.
Một pha tranh bóng trong trận U23 Việt Nam gặp U23 UAE.
Một bộ phận dư luận yêu cầu phải cho HLV Miura quyền tự quyết - vốn là điều bắt buộc của bóng đá chuyên nghiệp. Ông phải được xây dựng ĐT theo triết lý bóng đá của mình, và những nhà lãnh đạo quản lý bằng thành tích đạt được. Nhưng, bộ phận khác vốn đông đông đảo và được khích lệ bởi doanh nhân giàu có Đoàn Nguyên Đức thì muốn đội tuyển quốc gia phải là HAGL phiên bản 2.0. Luồng dư luận này không ngừng gây sức ép và chỉ trích ông Miura trong bất cứ trường hợp nào nếu không đi theo đường ray đã vạch sẵn.

Cuối cùng, ông Miura cũng thất bại giữa hai làn sức ép. U23 đã không thể hoàn thành mục tiêu không tưởng là giành vé đến tứ kết vòng chung kết giải châu Á. Vấn đề lúc này chính là thời điểm ông Miura sẽ chia tay bóng đá Việt Nam.

Sau thất bại được dự liệu từ trước, những đòn phản kích chiến lược từ nhóm chống đối người ủng hộ ông Miura đã xuất hiện. Đầu tiên người ta đã đặt câu hỏi về tương lai của Tổng Thư ký VFF - người đảm trách vai trò Trưởng đoàn U23 Việt Nam. Tiếp đến, trả lời phỏng vấn một tờ báo, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ đã công khai cho biết: “Về chuyên môn, U23 và đội tuyển quốc gia thất bại, sử dụng HLV kém thì anh Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn phải chịu trách nhiệm cao nhất. Tôi nghĩ lúc này cần xem xét vấn đề chuyên môn, kẻo lại rối, đánh bùn sang ao”.

Pháo hiệu đã được bắn đi. Chắc chắn người ra sẽ sử dụng sự thất bại của ông Miura là cái cớ đặc thù để “luận tội” những người lâu nay có tầm ảnh hưởng đến nhà cầm quân này. Nói trắng ra, đây chính là cơ hội lý tưởng để thực hiện những bước đi nhằm giành ưu thế về quyền lực trong tổ chức vốn đầy sự phức tạp là VFF.

Tất nhiên, mong muốn mượn cớ Miura để đánh đổ ghế quan VFF cũng chẳng dễ chút nào. Bởi cái cớ U23 Việt Nam và Miura thất bại không thật sự rõ ràng và thiếu sức nặng khi ai cũng biết, bóng đá Việt Nam đã có những thay đổi lớn kể từ khi gắn bó với nhà cầm quân người Nhật. Thậm chí, với nền tảng hiện tại, có mời Mourinho sang Việt Nam thì đội tuyển vẫn thất bại khi hành quân ra đấu trường lớn châu lục.

Những cuộc đấu đá ở hậu trường VFF có thể sẽ chẳng đi đến đâu bởi tương quan lực lượng giữa hai bên không có nhiều khác biệt. Nhưng chính điều đó khiến người ta hình dung đến bức tranh bóng đá Việt Nam trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ VII sẽ vô cùng u ám.