Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) Hà Nội đã tăng trên 10% bên cạnh nỗ lực của DN, chính sách hỗ trợ của TP đã tạo thuận lợi để DN phát triển - đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khi nói về những hoạt động hỗ trợ DN trong quá trình đẩy mạnh XK.

Năm 2016, ngành công thương không đạt chỉ tiêu kim ngạch XK, nhưng trong 5 tháng qua đạt 4,73 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên một số nhóm hàng XK như nông sản, dệt may giày dép lại giảm mạnh vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

- Mặc dù kim ngạch XK của Hà Nội đã tăng trở lại nhưng nhiều mặt hàng trong quá trình XK gặp không ít khó khăn. Với mặt hàng nông sản Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch về thực vật nên nông sản XK sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đối với thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu riêng, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên khó có thể cạnh tranh với các nhà XK ở nước thứ ba. Với mặt hàng dệt may do năng xuất lao động thấp hơn các nước trong khu vực nên giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam đang cao hơn 20 - 30% so với các đối thủ cạnh tranh dẫn đến đơn hàng XK giảm.

Những yếu tố này đã tác động chung tới việc XK một số mặt hàng chủ lực của TP Hà Nội không tăng như mong muốn.

Nhằm tăng trưởng kim ngạch XK Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Vậy theo ông trong thời gian tới, DN nên làm gì để tận dụng được hết cơ hội để đẩy mạnh XK?

- Việt Nam đã ký nhiều FTA một số thị trường như Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu... các thị trường này phải mở cửa cho hàng Việt tiêu thụ, qua đó tạo thuật lợi cho DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN nên chấp nhận chỉ làm một khâu trong một sản phẩm để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất. Theo tôi những khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất, tiêu thụ gồm phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm đem lại giá trị lớn, còn khâu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến... giá trị gia tăng không cao.

Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch XK hàng hóa năm 2017 tăng 4,5% so với năm 2016 và đạt 11.100 triệu USD. Để hoàn thành chỉ tiêu này TP Hà Nội nói chung, ngành công thương nói riêng sẽ có những giải pháp như thế nào?

- Để DN đạt chỉ tiêu XK đã đề ra, UBND TP đưa ra những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cũng như hỗ trợ tối đa lợi thế cho DN. Nổi bật là việc cải cách các thủ tục hành chính với các lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Đặc biệt, UBND TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước và TP, các DN cũng phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Xin cảm ơn ông!