Ông Putin tiết lộ kết quả Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thực dụng, không phải bạn bè

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hôm 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ), qua đó đồng ý nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí và đưa đại sứ trở lại thủ đô của nhau sau lệnh triệu hồi vào đầu năm nay.

Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden với nhà đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Reuters
Phát biểu trong họp báo riêng sau các cuộc thảo luận tại Geneva kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, Tổng thống Putin gọi người đồng cấp Mỹ Joe Biden là một đối tác có kinh nghiệm, có tính xây dựng, và nói rằng cả 2 "có cùng tiếng nói". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thay vì là tình bạn, đó là một cuộc đối thoại "thực dụng về lợi ích của hai nước".
Reuters dẫn lời ông Putin cho biết, Nga và Mỹ cùng chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định hạt nhân, và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với hiệp ước hạn chế vũ khí New START vừa được gia hạn gần đây của 2 nước.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga tỏ ra không muốn thỏa hiệp trong một loạt vấn đề khác, bác bỏ lo ngại của Washington về vụ bắt giữ người đứng đầu phe đối lập Điện Kremlin Alexei Navalny; về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine; và về những đề xuất của Mỹ rằng những người Nga không rõ danh tính phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ tấn công mạng tại Mỹ.
2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đối thoại tại Geneva hôm 16/6. Ảnh: Reuters 
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Navalny đã phớt lờ luật pháp Nga và hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta trở về Nga từ Đức - nơi anh ta đã được điều trị sau nghi vấn bị đầu độc. Ông chủ Điện Kremlin cũng cáo buộc Kiev đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn với các phiến quân thân Nga ở miền Đông Ukraine. Ông Putin cũng nói rằng, hầu hết các cuộc tấn công mạng nhằm vào Nga đều đến từ Mỹ.
Reuters dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, "khó để nói" rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện sau hội nghị lần này, nhưng "có một tia hy vọng" về sự tin cậy lẫn nhau. Không có lời mời nào đến Washington hoặc Moscow từ phía 2 nhà lãnh đạo.
Giới quan sát nhận định, việc tổ chức các cuộc họp báo riêng biệt đã báo hiệu một kết quả "kém vui", ít nhất là so với cuộc gặp năm 2018 ở Helsinki giữa Tổng thống Putin và người tiền nhiệm của ông Biden, Donald Trump. Tại buổi họp báo chung ở Phần Lan, nhà lãnh đạo Nga đã tặng Tổng thống Trump một quả bóng đá.
Tổng thống Nga tại họp báo riêng sau thượng đỉnh Geneva. Ảnh: Reuters 
Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã xấu đi trong nhiều năm qua, đặc biệt là với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 từ Ukraine, sự can thiệp của Nga tại Syria kể từ năm 2015, và cáo buộc của Mỹ về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đưa ông Trump vào Nhà Trắng.
Quan hệ 2 nước chìm sâu hơn vào tháng 3 năm nay, khi Tổng thống Biden nói rằng ông nghĩ Tổng thống Putin là "kẻ sát nhân", khiến Nga lập tức triệu hồi đại sứ của mình tại Washington để tham vấn. Mỹ cũng đã triệu hồi đại sứ của mình vào tháng 4.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần