Ông Putin tuyên bố Nga, Ả Rập Saudi vẫn bất đồng về mức “giá dầu hợp lý”

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga và OPEC có quan điểm khác nhau về "giá hợp lý" đối với dầu, nhưng khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác quản lý thị trường.

Tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg năm ngoái tại Nga, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của Tổ chức Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã đạt được thỏa thuận đặt ra một hướng đi mới cho thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Diễn đàn Kinh tế St Petersburg khai mạc ngày 6/6 tại TP St Petersburg (Nga), Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai “kiến ​​trúc sư” của thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga và OPEC chưa thống nhất về mức giá dầu hợp lý.
"Chúng tôi có những bất đồng nhất định, liên quan đến một sự hiểu biết khác nhau về giá cả hợp lý", Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg hôm 6/6.
“Nga cảm thấy thoải mái với giá dầu trong khoảng 60 - 65 USD/thùng, do ngân sách Nga được xây dựng dựa trên giả định giá 40 USD/thùng, Tổng thống Putin nói với phóng viên.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh: “Đồng thời, Ả Rập Saudi - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của OPEC, quốc gia có nền kinh tế ít đa dạng hơn, đang tìm kiếm giá dầu cao hơn vì ngân sách của nước này dựa trên mức giá dầu cao hơn”.
Theo nhà lãnh đạo Nga, điều đó khiến Riyadh mong muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu mỏ của các nước trong và ngoài OPEC sau khi thỏa thuận hết hạn vào cuối tháng.
Ông Putin nhấn mạnh quyết định về sản lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, còn gọi là Nhóm OPEC+, cần phải tính đến tình trạng sụt giảm sản lượng ở Iran và Venezuela, cũng như tình hình căng thẳng ở Libya và Nigeria.
Tổng thống Putin từ chối trả lời về giải pháp mà nước này sẽ thực hiện trong nửa cuối năm 2019 nhằm tăng sản lượng dầu mỏ.
"Chúng tôi phải tính đến tất cả các yếu tố: sụt giảm sản lượng ở Iran [và] Venezuela, các vấn đề ở Libya, Nigeria, ... và sự gia tăng tiêu thụ trong mùa hè. Tôi sẽ không nói cho bạn biết những gì chúng tôi cân nhắc về những gì chúng tôi cần làm trong nửa cuối năm nay, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra quyết định hợp nhất cùng với các đồng nghiệp của mình trong OPEC", người đứng đầu Điện Kremlin cho hay.
Trong khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih thể hiện quan điểm rõ ràng về việc ủng hộ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 6, thì người đồng cấp Nga Alexander Novak vẫn tỏ ra khá thờ ơ với đề xuất này.
Bộ trưởng Novak hôm 6/6 nói rằng, căng thẳng thương mại và các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran và Venezuela đang tạo ra những rủi ro đối với nguồn cung dầu toàn cầu, điều này cũng ngăn cản kế hoạch kéo dài hiệp ước của OPEC+. “Chính sách dầu mỏ của Nga được thúc đẩy bởi những lo ngại dài hạn về đầu tư, chứ không phải là những động thái về giá trong ngắn hạn”, ông Novak nói thêm.
Tuyên bố của Tổng thống Purin và Bộ trưởng Dầu mỏ Nga được đưa ra trong bối cảnh cuộc họp cấp bộ trưởng các nước thành viên OPEC và các đồng minh sẽ diễn ra trong tháng này.
Các nước OPEC và đồng minh đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019.
Theo một số nguồn tin từ OPEC, Ả Rập Saudi và Nga đang thảo luận 2 kịch bản sản lượng cho cuộc họp chính sách sắp tới. Kịch bản thứ nhất là kết thúc thỏa thuận cắt giảm sản lượng và sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 800.000 thùng/ngày. Kịch bản thứ hai là vẫn tiếp tục thắt chặt nguồn cung, song nới lỏng mức cắt giảm từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống 900.000 triệu thùng/ngày.
Quan điểm trái ngược về mức “giá dầu hợp lý” và sự biến động mạnh của thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây đang khiến cho quyết định về chính sách điều hành sản lượng của OPEC+ trở nên  khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu thể giới được dự báo sẽ lên xuống thất thường vào nửa cuối năm nay, trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới leo thang và mối đe dọa nguồn cung có thể bị gián đoạn do sản lượng dầu thô sụt giảm tại Iran, Venezuela.
Trước đó, các nước OPEC và đồng minh đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019 và duy trì trong 6 tháng, nhằm giữ giá “vàng đen” và ngăn chặn tình trạng dư cung trên thị trường./.