Ông Tập Cận Bình điều "tướng" giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc cử cố vấn kinh tế cấp cao nhất từ trước đến nay đến Washington, Mỹ để ngăn chặn khủng hoảng trong quan hệ song phương giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.

"Cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình trong lĩnh vực kinh tế
Dự kiến, chuyến thăm của cố vấn kinh tế cấp cao Liu He lần này cũng tập trung vào thương mại - vấn đề gây tranh cãi giữa 2 nước trong thời gian qua. Vừa qua, Mỹ đã có một loạt hành động được xem là “gây chiến” thương mại với Trung Quốc: tăng thuế với mặt hàng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ (chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc) và xem xét đánh thuế vào mặt hàng kim loại cũng từ nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Ông Liu He (trái) có nhiệm vụ giảm căng thẳng thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump. 
Chuyến thăm trước đó của  ông Dương Khiết Trì - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao và hiện là cố vấn nhà nước được cho là không thành công như dự đoán khi Bắc Kinh nhấn mạnh việc nối lại cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa 2 nước nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa xác nhận thỏa thuận khởi động lại các cuộc đàm phán.
Trong bối cảnh đó, chuyến đi của ông Liu He sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu bầu không khí căng thẳng thương mại hiện nay.
Ông Liu He được xem là kiến ​​trúc sư của kinh tế Trung Quốc. Nhà kinh tế học được đào tạo tại Harvard và là người bạn cũ của ông Tập Cận Bình được đánh giá là nhân vật chính trị kinh tế quan trọng nhất kể từ thời ông Chu Dung Cơ - người đã giúp thực hiện viễn cảnh cải cách và mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong những năm 1990. Ông Liu He là người quyền lực thứ 2 chỉ sau ông Tập Cận Bình trong trọng trách đưa Trung Quốc tiến lên thịnh vượng.
Trung Quốc có quân bài gì?
Theo kế hoạch, ông Liu sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cố vấn kinh tế Gary Cohn, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Ông Liu cũng sẽ tiếp xúc với một số DN Mỹ hàng đầu trong một sự kiện bàn tròn nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng DN.
Ông Liu được đào tạo về kinh tế tại Mỹ và ông cũng đã từng có những phát biểu về cam kết cải cách và mở cửa ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ đầu năm nay nhận được nhiều lời khen.
Nhưng như vậy là chưa đủ với chính quyền Tổng thống Trump. Ông Robert Holleyman, người giám sát các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc với tư cách Phó đại diện thương mại của Mỹ trong chính quyền Obama, cho biết ông Liu có thể phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong chuyến thăm Washington của mình trong tuần này trong việc thuyết phục Washington rằng, Bắc Kinh sẽ biến những cam kết này thành hiện thực.
Tuy nhiên, nếu tình hình không như dự kiến, Trung Quốc vẫn còn một con bài trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đó là, vừa qua Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các cuộc điều tra của đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu của Mỹ. Việc nhắm vào ngành nông nghiệp được coi là động thái có tính toán bởi sự ủng hộ dành cho ông Trump trong cuộc đua Tổng thống phần lớn đến từ khu vực nông thôn.
Trước viễn cảnh một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng rõ nét, ông Yang Weimin, Phó giám đốc Văn phòng Trung ương về Các vấn đề Tài chính và Kinh tế, cảnh báo, khi nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới đối đầu nhau, cả hai đều phải gánh chịu hậu quả dù mức độ thiệt hại sẽ khác biệt.
"Hai nước phải duy trì đàm phán với nhau bởi một cuộc chiến thương mại sẽ không chỉ gây tổn thương cho Trung Quốc mà còn với kinh tế toàn cầu”, ông Yang nói.