Ông Tập Cận Bình thăm Nga: Đôi bên đều cần nhau

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Tập Cận Bình đã có hơn 20 lần gặp ông Putin từ khi nắm quyền, nhưng cuộc gặp lần này được đánh giá khá đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và được đánh giá là sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương 2 nước và có thể đem lại nhiều lợi ích mà cả 2 bên mong đợi.
 
"Bắc Kinh mong muốn thúc đẩy sức mạnh quyền lực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế trong khi Moscow muốn tăng cường các hợp tác thương mại, trong bối cảnh phương Tây và Mỹ gia hạn lệnh trừng phạt mới lên quốc gia này" - ông Ian Bremmer - Chủ tịch Tập đoàn Eurasia nhận định. 
Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, lịch làm việc giữa 2 nhà lãnh đạo dày đặc các nội dung bàn thảo trong lĩnh vực kinh tế như sáng kiến “Vành đai và con đường” do Bắc Kinh khởi xướng và các vấn đề liên quan đến Liên minh kinh tế Á - Âu. 
Ngoài cuộc gặp tại Moscow, lãnh đạo Nga - Trung cũng lên kế hoạch gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào ngày 7 - 8/7 tại Đức, và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Trung Quốc vào tháng 9. Điều này thể hiện quyết tâm của 2 nước trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. 
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Bắc Kinh và Moscow được bắt đầu từ năm 2014, khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề xung đột tại Ukraine. Kể từ năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung ứng khí đốt tự nhiên vào thị trường kinh tế mới nổi lớn nhất của thế giới trong thời hạn 30 năm, hợp đồng khoảng 400 tỷ USD. 
Thực tế cho thấy, Nga thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ nước nào ngoài châu Âu. Tuy nhiên, hiệu quả dường như chưa được như mong đợi. Hiện tại, Nga vẫn chưa nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Do vậy, chuyến đi lần này được kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ thương mại 2 nước. Dự kiến, nhiều thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD sẽ được ký kết trong cuộc gặp.
Không chỉ là đối tác về kinh tế, Bắc Kinh và Moscow còn đang tiến dần đến mối quan hệ đồng minh khi chia sẻ chung quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang gia tăng và sự hợp tác Mỹ - Trung trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng có dấu hiệu khép lại, Trung Quốc cần có sự ủng hộ từ Nga để có thêm tiếng nói phản đối triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc. 
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, các hoạt động của Bắc Kinh vẫn chưa hiệu quả và sự kiên nhẫn với Triều Tiên đã hết. Tuyên bố này khiến Bắc Kinh và Moscow lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ vượt tầm kiểm soát, và Mỹ có thể sẽ cân nhắc nghiêm túc về một cuộc tấn công phủ đầu ở Bình Nhưỡng. Trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình phát biểu, động thái của Mỹ “làm ảnh hưởng cân bằng chiến lược khu vực” và đe dọa an ninh các quốc gia, trong đó có Nga và Trung Quốc đồng thời, mong muốn Washington và Seoul rút lui hệ thống THAAD tại bán đảo Triều Tiên.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần