“Ông tiên” của học sinh trường Tả Thanh Oai

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

rnChuyên sửa xe đạp miễn phí cho học sinh (HS) tiểu học, THCS; “nhân viên gác tàu tự nguyện không chuyên”, đó là những gì người dân Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn nhắc đến khi nói về ông Nguyễn Văn Tâm (65 tuổi), ở ngõ 41, đội 4, thôn Tả Thanh Oai.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Tâm là sự hiền hòa, chân chất, phúc hậu toát lên từ khuôn mặt, ánh mắt và lời nói. Và ẩn sâu trong đó là tính cách kiên định của một người luôn hướng về những việc làm có ý nghĩa cho xã hội. Ông là một cựu chiến binh, một y tá phục vụ ở chiến trường miền Bắc những năm 1969, năm 1994, sau khi về nghỉ hưu mất sức, ông tham gia HTX làm thủy lợi và cho đến nay, công việc chính của ông là gò, hàn. Nói tới việc sửa xe đạp miễn phí cho HS, ông Tâm cười hiền: “Đó chỉ là hành động từ trong tâm và làm cho vui tuổi già”. Nhớ lại cơ duyên đến với "nghề" sửa xe miễn phí, ông bảo: “Cách đây hơn 10 năm, khi đang gò hàng cho khách, thấy cháu gái ở đội 1 (giờ đã lập gia đình) bị hỏng xe, vừa đi vừa mếu máo. Thấy vậy, tôi gọi vào và sửa xe miễn phí”. Từ đó, ông nghĩ, làm việc thiện thế cũng có cái hay, cái vui nên ông sắm một cái bơm và mấy đồ nghề cần thiết cho công việc sửa xe. Xe đạp hỏng nhiều nhất là săm, lỏng bu lông, đứt xích... nên ông đã chuẩn bị những món đồ này khá chu đáo. Sau đó, cứ thấy cháu nào bị hỏng xe là ông lại vẫy vào sửa miễn phí, dù không chuyên. Mỗi lần sửa xong, ông dặn dò rất cẩn thận: “Các cháu đi đúng làn đường bên tay phải, không được đi dàn hàng ba, hàng bốn. Đi học không được đánh nhau, bắt nạt bạn bè, ngoan ngoãn lễ phép với cha mẹ, thầy cô”.

Vừa sửa xe, ông Nguyễn Văn Tâm vừa ân cần hỏi han các cháu học sinh. Ảnh: Trần Thảo

Cho đến năm 2012, việc sửa xe miễn phí cho HS được ông Tâm làm đều đặn và thường xuyên hơn. Do nhiều cháu bị hỏng xe mà không dám vào sửa vì không có tiền (nghĩ ông là thợ sửa xe lấy tiền) nên ông Tâm đã làm tấm biển với dòng chữ “Các cháu học sinh cấp I, cấp II đi học qua đây nếu bị hỏng xe vào đây ông sửa, ông không lấy tiền. Nếu bị muộn học, ông chưa sửa kịp, ông đưa đến trường”. Thoạt đầu, nhìn vào tấm biển ấy, nhiều người bảo công việc sửa xe miễn phí cho HS của ông Tâm là “rỗi hơi” nên ông thấy ngại, lại cất tấm biển vào. Nhưng sau khi được cán bộ xã và giáo viên trường Tả Thanh Oai động viên, ông lại mang biển ra treo. Không chỉ sửa xe đạp miễn phí cho các cháu HS, ông Tâm còn sửa xe miễn phí cho các cô, các chị đi chợ hàng ngày chẳng may xe bị hỏng.
Một công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nữa của ông cũng khiến không ít người ngạc nhiên và khâm phục, đó là giúp nhân viên gác tàu phân luồng giao thông tránh ùn tắc trong những giờ cao điểm. Trước cửa nhà ông Tâm là cầu Cảng, nơi có tàu sắt đi qua hàng ngày. Vào các giờ cao điểm như sáng sớm hay cuối chiều, ông nhẹ nhàng đứng trước giơ tay nói: “Làm phiền mọi người dừng lại một chút cho tàu qua trước”. Ông Tâm chia sẻ, ở đây chỉ có một nhân viên gác tàu, không thể đứng được cả hai bên, tuyến đường này lại chật hẹp mà nhiều người qua, đặc biệt là các cháu HS, nên ông muốn giúp mọi người qua đường một cách an toàn khi có tàu chạy qua.
Cứ thế mỗi ngày trôi qua, hình ảnh ông lão đứng làm nhân viên gác tàu tự nguyện tại “ngã tư đồng hồ” đã trở nên quá đỗi thân quen với người dân nơi đây. Cái tên “ngã tư đồng hồ” (do các cháu HS đặt tên) cũng xuất phát từ việc mỗi lần sửa xe, thấy HS sốt ruột vì sợ muộn học, ông đã mua 2 chiếc đồng hồ rồi treo ngay ngã tư để HS tiện theo dõi, cũng để người dân xem giờ giấc, tránh tình trạng vội vàng mà phóng nhanh vượt ẩu khi đi qua ngã tư này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần