“Ông trùm” tín dụng đen núp bóng cán bộ thủy nông

Đạt Lê - Linh Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Thạch Thất đã bắt giữ ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, tổ chức đánh bạc dưới hình thức "lô, đề" lên đến hàng tỷ đồng...

Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đối tượng này cùng đồng bọn đã bị lực lượng công an bắt giữ, thu nhiều tang vật và tài liệu quan trọng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc.
Nguyễn Kim Tiến tự tạo cho mình một vỏ bọc khá hoàn hảo là của một cán bộ thủy nông địa phương. Do đó, ít người biết rằng vị cán bộ thủy nông này là một "ông trùm" tín dụng đen, đánh bạc; dưới trướng có nhiều đàn em là các đối tượng cộm cán.
Kẻ đội lốt 
Vào cuối tháng 12/2018, qua công tác rà soát, nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Thạch Thất phát hiện ổ nhóm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc lớn. Công an huyện Thạch Thất đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội xác lập chuyên án đấu tranh với ổ nhóm này.
 Các đối tượng trong ổ nhóm tín dụng đen, đánh bạc bị bắt giữ.
Qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm, Công an huyện Thạch Thất đã thu thập được tài liệu về ổ nhóm tội phạm. Lực lượng cảnh sát hình sự, được tăng cường cán bộ chiến sĩ từ các đội nghiệp vụ của Công an huyện liên tục được cử xuống bám sát địa bàn, tập trung thu thập tài liệu chứng cứ để nhanh chóng triệt phá ổ nhóm này. Qua đó, chân dung Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) đã được xác định là đối tượng cầm đầu.
Theo Công an huyện Thạch Thất, để tránh sự để ý của cơ quan chức năng, Nguyễn Kim Tiến đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo dưới lốt của một cán bộ thủy nông ở huyện. Hàng ngày Tiến vẫn “cần mẫn” với công việc kiểm tra mực nước ở trạm bơm. Và ít ai biết rằng, đằng sau cái vẻ lầm lũi, ít nói của một người đàn ông ngoài tứ tuần làm cán bộ thủy nông là một "ông trùm" với đủ chiêu trò vươn vòi bạch tuộc “hút máu” các đối tượng đánh bạc và người vay nợ.
Sau nhiều tháng tập trung điều tra, Ban chuyên án đã thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ, đến tối ngày 22/8 đã triển khai 15 tổ công tác với 100 cán bộ chiến sĩ đã bắt giữ Nguyễn Kim Tiến và 16 đối tượng liên quan.
Tại thời điểm bắt giữ, lực lượng Công an thu tang vật gồm hơn 1 tỷ đồng, 16 điện thoại di động, 12 xe ô tô, 9 xe máy và nhiều tài liệu liên quan đến việc vay nợ, đánh bạc và cầm cố tài sản… Tại cơ quan công an, Tiến và đồng bọn khai nhận tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi "lô, đề" qua việc nhắn tin bằng điện thoại di động, với giao dịch mỗi ngày gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc "bát họ" với lãi xuất từ 50 - 180%/năm.
Thủ đoạn tinh vi
Thượng tá Trần Khải Hoàn - Trưởng Công an huyện Thạch Thất nhận định: “Đây là ổ nhóm tín dụng đen cực lớn, hoạt động tinh vi, kín kẽ, với nhiều thủ đoạn, gây bức xúc trong dư luận. Ổ nhóm này đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Với quyết tâm đẩy lùi tội phạm, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Thạch Thất đã không quản ngày đêm tập trung thu thập chứng cứ, đồng loạt bắt giữ các đối tượng”.
Cũng theo đại diện Công an huyện Thạch Thất, ổ nhóm tín dụng đen này hoạt động theo mô hình “gia đình lớn”. Cầm đầu là Nguyễn Kim Tiến cùng đồng bọn đều là những người có quan hệ họ hàng, thân thích với “ông trùm”. Đó là Nguyễn Mạnh Quân (SN 1983, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) em trai ruột của Tiến; Cấn Kim Chung và vợ là Phạm Thị Thu Thảo (cùng SN 1994, trú tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất); Nguyễn Duy Khánh (SN 1999, trú xã Thạch Hòa), cháu họ của Tiến. Chính sự gần gũi thân thiết của mối quan hệ gia đình, đã khiến cho ổ nhóm này hoạt động rất kín kẽ.
Khi bị triệt phá, tại cơ quan công an các đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều điện thoại di động với hàng chục “sim rác”. Số điện thoại chính của Tiến không bao giờ dùng để liên lạc, hay trao đổi việc liên quan đến "tín dụng đen" và đánh bạc. Với vai trò là người hỗ trợ đắc lực cho Tiến trong việc nhận ghi số “lô, đề”, hàng ngày khoảng thời gian từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút, Phạm Thị Thu Thảo bắt đầu dùng điện thoại để liên lạc với các đối tượng đánh bạc. Vào thời gian này, Thảo luôn ở trong nhà, đóng kín cổng, khóa chặt cửa. Sau khi hết giờ nhận “lô, đề”, Thảo lại tắt máy điện thoại để tiếp tục cộng sổ tính toán.
Theo Công an huyện Thạch Thất, không phải ai cũng được ổ nhóm này nhận cho đánh bạc. Các đối tượng chủ yếu là khách quen, hoặc được giới thiệu bởi người thân tín. Thậm chí, đối tượng lạ muốn được tham gia phải để các đối tượng xác minh về nhân thân, quan hệ, gia đình, tài chính và phải chấp nhận “chơi” lâu dài mới được vào sới.
Các đối tượng đánh bạc chủ yếu là người có tài sản, hoặc có công việc ổn định trong các cơ quan, đơn vị. Số tiền mỗi đối tượng chơi đánh bạc trong ổ nhóm này thường dao động từ 20 - 100 triệu đồng. Mỗi ngày, Thảo thu khoảng 1 tỷ đồng tiền đánh bạc.

Ngoài việc tổ chức đánh bạc, bằng các mánh khóe tinh vi, ổ nhóm này đã hoạt động cho vay lãi nặng và cầm cố tài sản để “trói chân” người đánh bạc. Khi người đánh bạc hết tiền, các đối tượng sẽ ép mang giấy tờ nhà, hoặc tài sản đến cầm cố để được chơi tiếp. Tính đến thời điểm bị bắt giữ Tiến đã cho hàng nghìn người vay tín chấp, thế chấp, bốc họ... với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng.