Ông Trump buộc công ty Mỹ rời Trung Quốc bằng cách nào?

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa đối với hàng hóa của Washington hôm 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các công ty nước này bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế Trung Quốc, bao gồm việc đưa các xưởng sản xuất quay trở về Mỹ.

Các công ty Mỹ đã đầu tư tổng cộng 256 tỷ USD vào Trung Quốc trong giai đoạn 1990 - 2017, so với 140 tỷ USD mà các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Mỹ. 
Thực tế, một số DN Mỹ đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại thuế quan bắt đầu hơn một năm trước. Tuy nhiên, việc ngưng hoạt động và chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoàn toàn sẽ tốn không ít thời gian. Hơn nữa, các công ty Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, dịch vụ và bán lẻ chắc chắn sẽ chống lại áp lực rời khỏi một thị trường không chỉ lớn mà còn nhiều tiềm năng phát triển.
Tổng thống Trump được đnáh giá đang nắm trong tay một số công cụ mạnh mẽ, buộc các công ty Mỹ thực hiện mục tiêu của ông, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Thuế quan
Ông chủ Nhà Trắng có thể làm hơn rất nhiều những gì đã tuyên bố, khi tiếp tục tăng thuế quan để giảm lợi nhuận của các công ty vẫn cố duy trì tại Trung Quốc. Hôm thứ Sáu vừa qua, Tổng thống Trump đã tăng thêm 5% vào mức thuế 25% đã áp dụng đối với gần 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả nguyên liệu thô, máy móc và hàng hóa thành phẩm - dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/10 tới. Bên cạnh đó, kế hoạch thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng tiêu dùng bổ sung của Trung Quốc sản xuất sẽ được tăng lên 15%, bắt đầu từ ngày 15/9.
Ngoài việc khiến cho việc mua linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, việc tăng thuế cũng sẽ có tác dụng trừng phạt các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa thông qua các liên doanh ở Trung Quốc.
Tình trạng khẩn cấp
Tổng thống Trump có thể đối phó với Trung Quốc giống như Iran và ra lệnh trừng phạt, trong đó liên quan đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo luật năm 1977, gọi là Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).
Một khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, luật pháp trao cho Tổng thống đương nhiệm quyền hạn rộng lớn để ngăn chặn các hoạt động của các DN tư nhân hoặc thậm chí toàn bộ các thành phần kinh tế.
Chẳng hạn, bằng cách tuyên bố rằng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ tạo thành một trường hợp khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể ra lệnh cho các DN nước nhà tránh một số giao dịch, như mua các sản phẩm công nghệ Trung Quốc - tương tự chiến lược chính quyền Trump đã dùng hồi đầu năm nay khi ông nói rằng nhập cư bất hợp pháp là một trường hợp khẩn cấp và đe dọa sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mexico.
Nhiều đời Tổng thống Mỹ trong quá khứ đã sử dụng IEEPA để đóng băng tài sản của các chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như khi cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 1979 chặn tài sản thuộc sở hữu của chính phủ Iran khi đi qua hệ thống tài chính Mỹ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, sử dụng biện pháp này có thể có nguy cơ gây tổn hại ngoài ý muốn cho nền kinh tế Mỹ, buộc Washington phải cân nhắc tác động từ nguy cơ trả đũa của Trung Quốc và các DN Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. IEEPA cũng có thể gây ra những thách thức pháp lý tại tòa án Mỹ.
Phong tỏa trong nước
Một lựa chọn khác cũng không yêu cầu quyết định của Quốc hội là chính quyền Trump có thể cấm các công ty Mỹ cạnh tranh hợp đồng liên bang nếu cũng có hoạt động tại Trung Quốc. Biện pháp như vậy có thể được nhắm mục tiêu cụ thể vào một số lĩnh vực nhất định vì một đơn đặt hàng bị chặn sẽ tấn công các công ty như Boeing - vừa là nhà sản xuất vũ khí quan trọng cho Lầu Năm Góc, vừa là nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.
Boeing đã mở một nhà máy tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, trong nỗ lực đầu tư chiến lược nhằm xây dựng doanh số cạnh tranh với đối thủ Airbus.
Đạo luật Kẻ thù
Một biện pháp ấn tượng hơn nhiều, mặc dù rất khó xảy ra, được gọi là Đạo luật Kẻ thù mà Quốc hội Mỹ từng thông qua trong Thế chiến I, cho phép Tổng thống đương nhiệm điều chỉnh và trừng phạt thương mại với một quốc gia mà Mỹ đang có chiến tranh.
Tổng thống thứ 45 nước Mỹ khó có khả năng viện dẫn luật này vì một khi Washington tuyên bố Bắc Kinh là một kẻ thù chiến tranh, điều này được đánh giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình bạn mà ông Trump đã cố tạo dựng với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hơn hết, tuyên bố như vậy ít khôn ngoan hươn so với IEEPA - sẽ cho phép chính quyền Trump thực hiện các hành động tương tự mà không phải trả giá ngoại giao quá lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần