Ông Trump có "đồng minh bí mật" để "ép" Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh rất có thể sẽ phải nhượng bộ giới doanh nghiệp tư nhân trong nước, vốn có mục tiêu giống ông Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump có một số đồng minh “âm thầm”. Gần như mọi phàn nàn các nhà đàm phán Mỹ nêu ra tại Bắc Kinh tuần trước – chưa nói đến sự nghi ngờ về sự chân thành của phía Trung Quốc – đều được chia sẻ bởi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, những thành phần cảm thấy bị đánh giá thấp và không được chào đón như các đối tác nước ngoài. 

 

Thực tế này cho thấy chính quyền ông Trump sẽ gặp khó khi muốn thay đổi một loạt các chính sách công nghiệp của Trung Quốc có khởi nguồn từ hệ chính trị và tư tưởng thay vì kinh tế. Đồng thời, điều này cũng mang đến cho ông Trump cơ hội thúc đẩy áp lực nội bộ của Trung Quốc để mở cửa cho cả các nhà đầu tư quốc tế và người tiêu dùng Trung Quốc với vai trò thiết yếu trong việc tuân theo các quy tắc giao dịch toàn cầu.

Trong nỗ lực để đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối với mọi khía cạnh của Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm ảnh hưởng tới tinh thần “hoang dã” của khối doanh nghiệp tư nước này. Mặc dù Trung Quốc hoan nghênh các nhà tư bản tham gia vào năm 2001, số này từ lâu đã có mối quan hệ không thoải mái với cơ quan nhà nước. Nhiều nhân vật đã bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, trả giá cho văn hóa cho rằng hối lộ các quan chức là cần thiết để đảm bảo các giao dịch kinh doanh, đất đai và vay ngân hàng.

Thực tế là thế giới cần các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thành công nếu nước này duy trì là động lực tăng trưởng toàn cầu. Và nhu cầu của khối doanh nghiệp tư Trung Quốc cũng phản ánh nhu cầu của các công ty đa quốc gia tại đây, đó là: tiếp cận tốt hơn với các thị trường dịch vụ hiện đang bị chi phối bởi các độc quyền nhà nước về năng lượng, tài chính, viễn thông và vận tải; bảo vệ tốt hơn cho tài sản trí tuệ; giảm trợ cấp, tài chính giá rẻ và các lợi thế khác mà khu vực nhà nước được hưởng; và mong muốn không bị các quan chức nhà nước nhũng nhiễu. 

Hai lý do để ông Tập "nhượng bộ"

Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất mong muốn thoát khỏi “vòng kim cô” chi phối bởi nhà nước. Hơn nữa, chính sách chuyển đổi trọng tâm khỏi các doanh nghiệp nhà nước, vốn thống trị các ngành công nghiệp cũ, để chuyển sang khối tư nhân- vốn vượt trội trong các dịch vụ sáng tạo, sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa Trung Quốc và giảm tình trạng thâm hụt tiết kiệm hộ gia đình. 

Ông Tập sẽ không từ bỏ cấu trúc công nghiệp do nhà nước chi phối. Kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được đưa ra, dù khối tư chiếm 50% tổng lượng tín dụng trong khi chỉ đóng góp 20% GDP, một sự phân bổ nguồn tài chính sai lệch.

Tuy nhiên, vẫn có 2 lý do để cho rằng ông Tập sẽ nhượng bộ.

Thứ nhất, tình hình suy thoái kinh tế và tăng trưởng chững lại đang ngày càng rõ nét và trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại với Mỹ làm đau đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Chỉ vài tháng trước, tờ People’s Daily đã tấn công độc giả bằng những câu chuyện ca ngợi chương trình “Made in China 2025”, một chiến lược gia tăng khả năng công nghệ cao của Trung Quốc, và tự mãn về “Giải pháp Trung Quốc” cho các thách thức toàn cầu. Bộ phim tài liệu “Amazing China” được trình chiếu rộng rãi, trong đó đề cao thành tựu của ông Tập trong thúc đẩy lĩnh vực khoa học, công nghệ và xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc.

Nhưng hiện nay, tham vọng công nghiệp của Trung Quốc đã bớt được đề cập trên các phương tiện truyền thông. Còn gì nữa nếu không phải là ông Trump, thay vào đó, đang thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.

Thứ hai, việc mở rộng thị trường Trung Quốc hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước là cách chắc chắn nhất để ông Tập hồi sinh tăng trưởng. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra lợi nhuận ROA gấp ba lần so với các công ty nhà nước. Với tư cách là nhà cung cấp hầu hết các công việc mới, cộng đồng này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào đầu tư tín dụng.

Chính phủ Trung Quốc hiểu sự cần thiết phải xoa dịu khu vực tư nhân. Từ giữa năm ngoái, Trung Quốc đã cố gắng khuyến khích các ngân hàng nới chính sách cho vay đối với các công ty tư nhân. Tuy nhiên, những nỗ lực này hầu như không đạt được tiến bộ, do phần lớn hệ thống ngân hàng truyền thống chưa có cơ chế cho các khoản vay như vậy. Trong khi đó, chính phủ trong nỗ lực chống lại khủng hoảng tài chính tiềm tàng, đã triệt hạ nhiều ngân hàng ngầm - nơi các doanh nghiệp nhỏ tìm đến để kiềm nguồn tài chính.

Tin tốt là Trung Quốc có 1 kế hoạch chi tiết toàn diện nhằm tiếp sức cho khu vực tư nhân.5 năm trước, khi mới lên nắm quyền, ông Tập đã đưa một kế hoạch 60 điểm “cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn tài nguyên”.

Thật không may, kế hoạch này đã bị lãng quên kể từ đó. Việc hồi sinh những cam kết này dưới danh nghĩa giải cứu các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ mang lại cho ông Tập vỏ bọc chính trị để đáp ứng một số yêu cầu của ông Trump nhằm kết thúc căng thẳng thương mại.

Một cuộc mặc cả hời “2 – đổi – 1” đang hiện ra trước mắt và Trung Quốc đủ khôn ngoan để nắm lấy cơ hội này.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần