Ông Trump tính đóng vai gì ở Hội nghị G20?

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị G20 năm 2017 đọng lại trong ký ức cộng đồng quốc tế là việc Tổng thống Mỹ giận dữ bỏ về giữa bàn đàm phán dang dở còn năm nay sẽ là gì?

Năm nay, ít lãnh đạo phương Tây còn đặt kỳ vọng lớn khi đến Buenos Aires tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 2018 cuối tuần này. Đối với nhiều người, có vẻ như, Tổng thống Mỹ đang hoạt động dưới một quan điểm: Chính sách đối ngoại của Mỹ là “để bán”, vấn đề là tìm đúng giá.

Cho đến nay, ông Trump sắp tham dự Hội nghị G20 lần thứ hai, nơi tập hợp các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, ít nhất một nửa trong số họ là những người bạn trung thành và đồng minh của Mỹ trong nửa thế kỷ hoặc lâu hơn. Do vậy, đây là thời điểm để ông cũng như phần lớn thế giới đã từng coi Mỹ là một đối tác thực sự và đáng tin cậy tìm ra những bước đi tiếp theo.

Do đó, tại Hội nghị, sẽ rất đáng nếu Tổng thống Mỹ sử dụng một chút “chiêu trò” trong các cuộc gặp song phương với những lãnh đạo các nước - hoặc thậm chí tỏ thái độ ngoại giao mềm mỏng nhằm thực sự tìm ra nhu cầu và mong muốn cơ bản của Washington.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cơ cấu của nhóm G20 có thể chia làm nhiều phân khu. “Nhóm lõi” của G20 là các quốc gia phát triển, sau đó là nhóm các nước “mới giàu” và cuối cùng là những thành viên “cộng sinh”, thường tương hợp với một bên nào đó để phát triển – tuy nhiên nhóm này cũng cần được “chăm sóc” không kém gì hai nhóm chính kia.

Ông Trump đặt sự quan tâm rất hạn chế đối với các nước ở vùng lõi khi sẵn sàng chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May vốn đã “trọng thương” do Brexit. Nếu cần một đồng minh, bà May không nên trông chờ điều đó từ Washington dưới thời ông Trump. Tuần này, ông chủ Nhà Trắng chẳng ngần ngại khẳng định thỏa thuận Brexit có thể gây khó cho thương mại Anh-Mỹ vào thời điểm mà London đang rất cần 1 đồng minh trung thành.

Về phía Đức, bà Angela Merkel cũng “trọng thương” chẳng kém một chú “vịt què” khi tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng nào nữa.  Tuy nhiên, vai trò của Đức trong thị trường tài chính và sản xuất vẫn là chìa khóa cho bất kỳ thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa châu Âu và Mỹ trong thời gian tới.

Mảnh cuối cùng trong “3 chân kiềng” châu Âu là Pháp. Ông Trump có thể thấy Tổng thống Emmanuel Macron đang ở thế yếu, với tỷ lệ tín nhiệm suy giảm. Nhưng nhà lãnh đạo Pháp vẫn mong muốn theo đuổi vị trí dẫn đầu châu Âu và không ngần ngại tấn công ông Trump khi có dịp, gần đây nhất là tuyên bố “chủ nghĩa dân tộc là một sự phản bội với lòng yêu nước” nhằm vào Tổng thống Mỹ trong đợt kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I.

Mục tiêu của ông Trump, trái lại, tập trung vào nhóm nước “mới giàu” ở vòng 2, bao gồm Trung Quốc, Nga và đặc biệt là Ả Rập Saudi do Thái tử Mohammed bin Salman dẫn đầu. Hiện tại, ông Trump thấy biết ơn Riyadh vì đã giữ giá dầu thấp - và kêu gọi giá nhiên liệu này giảm sâu hơn nhằm mong lợi cho nền kinh tế Mỹ. Người thừa kế ngai vàng của Ả Rập Saudi cũng được Nhà Trắng ủng hộ ngầm trong vụ bê bối nhà báo Jamal Khashoggi vừa qua. Do đó, thế giới, và cả các ứng viên đảng Dân chủ tiềm năng cho vị trí Tổng thống Mỹ vào năm 2020, có lý do theo dõi sát sao bất kỳ trao đổi dù khiêm tốn cỡ nào của hai nhà lãnh đạo Washington và Riyadh trong kỳ họp lần này.

Cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Ả Rập Saudi, nếu diễn ra, thậm chí có thể "ngang cơ" với cuộc hội đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập phải đối mặt với một mối đe dọa lờ mờ từ rủi ro Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 262 tỷ USD.

Ngoài ra còn nhiều lãnh đạo sẽ xuất hiện tại Argentina, liên quan đến những vấn đề quan trọng mà ông Trump đang theo đuổi, ví như Hiệp định NAFTA mới chỉnh sửa.

Hiệp định NAFTA 2.0 với tên mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, dự kiến ​​sẽ được ký kết ở Buenos Aires, được ông Trump gọi là "chiến thắng cho công nhân Mỹ". Nhưng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto vẫn phải thuyết phục cơ quan lập pháp của mỗi bên để thỏa thuận này thực sự có hiệu lực.

Ông Trump cũng cần tìm cách để khôi phục lại một số “ân sủng” cho mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đổ lỗi cho vụ sát hại nhà báo Khashoggi cho Thái tử Ả Rập Saudi. Tổng thống Trump cũng không nên bỏ qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đóng vai trò quyết định trong bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần